Trồng rau muống

B.T 17/08/2015 20:13

Rau muống là một trong những loại rau phổ biến trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của nhiều người. Rau muống có thể sử dụng ăn tươi, hoặc qua chế biến thành các món ăn đặc trưng hoặc ăn kèm cùng các loại rau khác trong các món đặc sản địa phương. Chuyên đề Đại Đoàn kết dân tộc xin giới thiệu với bà con kỹ thuật trồng.

Thời vụ: Có thể trồng quanh năm, mùa nắng cần có đủ nước tưới, mùa mưa lên liếp cao, thoát nước tốt. Có thể gieo hạt tháng 2 đến tháng 3. Cấy ruộng từ tháng 3 trở đi. Thả bè từ tháng 3 đến tháng 8.

Giống: Nên sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ tại địa phương. Hiện nay, trên thị trường có hai giống: giống thân tím và giống thân trắng, tuy nhiên giống thân trắng được ưa chuộng hơn, cần mua giống từ các công ty chuyên kinh doanh có uy tín.
Loại rau muốn trắng (dạng lá tròn hoặc dài) sinh trưởng mạnh trong vụ hè, đẻ khỏe thích hợp trồng trên cạn, chịu nóng hơn loại đỏ.
Loại rau muống đỏ (dạng lá tròn hoặc lá dài) sinh trưởng mạnh, khả năng chịu lạnh tốt hơn, đẻ kém hơn, ngọn vươn mạnh, thích hợp tren rau muống ruộng thấp trũng.

Lên liếp: Nên lên liếp rộng 1-1,2m, liếp dài 10-20m, cao 15 - 20cm trong mùa nắng và trong mùa mưa cần lên liếp cao hơn khoảng 25-30cm để thoát nước tốt không bị úng rễ.

Gieo sạ: Trước khi gieo, hạt giống cần ngâm trong nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi: 3 lạnh sau khoảng 60-90 phút, sau đó vớt ra rổ mịn cho ráo nước và ủ đậy nắp qua một đêm, trong quá trình ủ nên đảo một lần cho đều, sau đó hạt nẩy mầm thì đem gieo. Lượng hạt giống cần khoảng 25-30 kg/1000 m2 để gieo sạ hoặc gieo theo hàng.

Xử lý đất trước khi gieo: Đất trước khi gieo nên bón vôi khoảng 30 kg/1000 m2, vài ngày sau bót lót phân hóa học và phân hữu cơ, rải rơm hoặc cỏ mục trên liếp khoảng 1 tấn sau đó sử dụng chế phẩm Tricoderma (1kg/1000 m2) tưới đều trên mặt liếp trước khi gieo hạt và rải 1kg Basudin 10 H/1000 m2 xung quanh bìa liếp để hạn chế kiến, sâu đất làm hại cây con. Sau khi gieo hạt, nên phủ lớp rơm mỏng hoặc đậy lưới ni lon để tránh nước mưa hoặc nước tưới làm văng hạt rau, đồng thời hạn chế cỏ dại và đất cát bắn lên lá.

Bón phân và chăm sóc: Lượng phân bón tính trên 1000 m2
- Bón lót: sau khi bón vôi khoảng 5-7 ngày thì tiến hành bón lót, bón 1 tấn phân hữu cơ ủ với nấm Tricoderma + 20 kg phân 16-16-8. Trước và sau khi bón lót cần tưới nước cho đất ẩm, sau đó đậy màng phủ lại.
- Bón thúc: 7 ngày sau khi gieo tưới 1kg Urea, liều lượng 20-30g/20 lít nước. 14 ngày sau khi gieo rải 1kg Urea + 10 kg 16-16-8. 20 ngày sau khi gieo tưới 0,5 lít phân cá. 26 ngày sau khi gieo tưới 0,5 lít phân cá.

Phòng trị một số loại địch hại phổ biến
- Bọ nhảy, sâu tơ, sâu đục đọt, sâu ăn tạp: thường gây hại ở giai đoạn cây còn nhỏ (cây mới có 2-3 lá thật). Chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc sinh học sau để phòng trị như: Jiabat 15 WDG, Biocin 16 WP, Dipel 6.4 WP, Aztron, Xentari 35. Nên sử dụng luân phiên các thuốc trên để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao.
- Bệnh rỉ trắng (do nấm Albugo Ipomoea) gây ra, là bệnh rất phổ biến và xuất hiện nhiều trong mùa mưa. Để phòng bệnh này cần lên liếp cao để thoát nước tốt trong mùa mưa, có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trị như: Score 250 EC; Dithane 80WP; Zoom 50SC; Ridomil MZ 72WP.Lưu ý : Để đảm bảo thời gian cách ly an toàn, khoảng 1 tuần trước khi thu hoạch rau, tuyệt đối không nên sử dụng phân và thuốc hóa học cho rau trồng.

Thu hoạch: Người trồng rau có thể thu hoạch sau khi rau được gieo khoảng 22-25 ngày. Thời gian thu hoạch tùy vào diện tích trồng rau, hoặc mục đích sử dụng.

B.T