Câu chuyện Puerto Rico

LÃ THẾ TUẤN (tổng hợp) 17/08/2015 20:41

Mới đây, Chính phủ Puerto Rico đã tuyên bố phá sản. Nợ quốc gia chồng chất. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của đất nước này. Tuy nhiên, những gì mà thiên nhiên ban tặng; những gì người ta đã gây dựng lên trong nhiều thế kỉ; những gì thuộc về bản sắc văn hóa thì vẫn còn đó, và đất nước này vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của vùng Caribe.

Những con đường lát đá tuyệt đẹp

1. Puerto Rico có thể coi là một quốc đảo. 60% diện tích trên đảo là đồi núi. Dãy cao nhất là Cerro de Punta, với chiều cao 1.338 mét, dưới chân nó là một vùng bờ biển hẹp.
Do vị trí và cấu tạo địa lý như vậy, nên trong lịch sử hòn đảo này đã phải chịu đựng nhiều trận động đất và sóng thần. Trận động đất dữ đội gần đây nhất được ghi nhận, đạt tới 7,5 độ Richter xảy ra vào ngày 11 tháng 10 năm 1918. Nó không chỉ phá vỡ bề mặt hòn đảo, lại còn tác động gây ra sóng thần tràn qua tất cả các vùng trên đảo này, khiến nhà cửa gần như bị quét sạch và cư dân bị hao hụt rất lớn.
Nền kinh tế đất nước này trải qua nhiều thăng trầm. Nếu đầu thế kỉ 20 rất khó khăn thì kể từ năm 1940 lại trở nên giàu có, đến cuối những năm 90 thế kỉ 20, Puerto Rico còn được coi là có thu nhập đầu người hàng đầu vùng Caribe. Nhưng kể từ năm 2006, Puerto Rico rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Người trẻ thì tìm đường ra nước ngoài (nhiều nhất là Mỹ) để tìm kiếm cơ hội. GDP của Puerto Rico những năm này thường là âm, cuộc sống của người dân ngày một khó khăn, bản thân giới công chức chính phủ cũng rơi vào cảnh nợ nần.
Puerto Rico là quốc gia đa sắc tộc, với số người nhập cư rất cao. Tuy nhiên, những cư dân đầu tiên sinh sống tại Puerto Rico là người da đỏ châu Mỹ. Do biến động lịch sử, quốc đảo này tiếp nhận thêm hai luồng người nhập cư chính. Một là người da trắng gốc châu Âu. Và hai là,người da đen gốc châu Phi. Riêng với người da trắng, thì cũng đã có nhiều nguồn: người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Scotland, Ireland, Đức... Còn người da đen châu phi đến đây chủ yếu trên những con tàu buôn nô lệ. Họ đến từ hầu hết các quốc gia châu Phi.
Nhưng trong vòng nửa thế kỉ qua, lại xuất hiện tình trạng người Puerto Rico di dân ra nước ngoài, mà chủ yếu là vào Mỹ. Thật khó hình dung rằng, hiện số người Puerto Rico sống tại Mỹ đã nhiều hơn cả trong nước.

Hải đăng Punta Higuero

2. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính trở nên nghiêm trọng ở Puerto Rico, người ta gọi quốc đảo này bằng cái tên “nước nhỏ nợ to”.
Với khoản nợ không thể trả nổi là 72 tỷ USD, người ta đang đoán định cho đất nước này một tương lai xấu.
Tuy nhiên, cho dù đang đối diện với tương lai mù mịt, nhưng với bản tính lạc quan, người Puerto Rico vẫn không quá buồn phiền. Thứ nhất là họ có thể tìm đường ra đi tìm cuộc sống mới ở chân trời khác. Và thêm nữa, những gì họ tích trữ được trong nhiều năm thông qua chính sách bảo trợ xã hội và những gì đất nước đã xây dựng lên cũng đủ để họ tồn tại.
Thật đáng ngạc nhiên, vào năm 2005, Puerto Rico còn được bình chọn là nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng sau đó không lâu, thì từng dòng người lại rời bỏ đất nước, thành phần di cư nhiều nhất chính là những thanh niên, nguyên nhân không gì khác ngoài hai chữ “việc làm”.

Hoa hậu Valerie Hernandez Matias

Ngay cả người đẹp Puerto Rico giành vương miện Hoa hậu quốc tế 2014 cũng không muốn ở lại đất nước. Người đẹp Valerie Hernandez Matias đã đăng quang ngôi vị cao nhất, càng làm danh tiếng của quốc đảo Puerto Rico trở nên lừng lẫy. Nhưng những gì đất nước có thể cho cô không còn nhiều như trước nữa, nên cũng như bạn bè cùng trang lứa, cô muốn lập nghiệp ở nước ngoài, tuy cũng nuối tiếc với những lễ hội đặc sắc, trong đó có “lễ hội nước và thịt hun khói”. Trong lễ hội, người ta mặc sức té nước vào nhau và cùng nhau thưởng thức món thịt hun khói với mùi vị thơm ngon đặc biệt.

Những người trẻ Pueerto Rico ra đi, cũng có nghĩa là để lại sau lưng vịnh phát quang Fajardo nổi tiếng. Vịnh nằm trên bờ biển phía đông bắc đất nước, nó hút hồn du khách vì khả năng tự phát quang của mình. Nước trong vịnh chứa rất nhiều sinh vật phát quang. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà gần đây nước vịnh lại tối om. Người ta nói rằng, vịnh tối đi cũng trùng hợp với việc nền kinh tế đất nước u ám.

Kiến trúc Tây Ban Nha trong những biệt thự cổ ở San Juan


Còn các nhà khoa học thì cho rằng, sở dĩ vịnh Fajardo không còn khả năng phát quang là do có quá nhiều công trình xây dựng gần vịnh. Cùng đó, những trận lũ ngày một nhiều hơn đổ nước vào vịnh cũng làm cho nó thay đổi. Người Puerto Rico gọi những trận lũ là “kẻ phá hoại”.
Giờ đây, người ta lấy làm tiếc khi những sinh vật đơn bào- nửa động vật, nửa thực vật phát ra luồng sáng xanh như những con đom đóm mỗi khi có sự tác động nào đó lên mặt nước đang ngày một ít đi.
Cho dù đang gặp khó khăn nhưng Puerto Rico vẫn còn đó những pháo đài, nghĩa trang cổ, những bãi biển xinh đẹp và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Tây Ban Nha; hay là ngọn hải đăng Punta Higuero ở Rincon- nơi có thể quan sát cuộc di cư của những đàn cá heo lưng gù. Đặc biệt, ngọn đèn biển Los Morrillos nằm ở phía tây nam của Puerto Rico vẫn còn đó trong cô đơn.

LÃ THẾ TUẤN (tổng hợp)