Mô hình nào cho y tế huyện?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND) được thông qua và không quy định “Ủy ban nhân dân huyện quản lý Trung tâm Y tế” thì việc quy định Trung tâm Y tế trực thuộc Sở Y tế là phù hợp.
Hiện nay có 59/61 tỉnh đã quy định Trung tâm Y tế huyện
là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế. (Ảnh: Đức Anh).
Từ năm 1990 trở về trước, thực hiện cơ chế quản lý theo lãnh thổ (theo Nghị quyết 15/CP năm 1976 của Chính phủ), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện quản lý Bệnh viện huyện và Phòng Y tế (gồm có các Đội Vệ sinh phòng dịch, đội Y tế lưu động, đội Sinh đẻ kế hoạch, nhà hộ sinh, phòng khám đa khoa khu vực, các Trạm y tế xã, phường, thị trấn).
Trong suốt quá trình thực hiện theo mô hình này, y tế ở tuyến huyện và xã có nguy cơ tan rã. Để khắc phục tình trạng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Chấn chỉnh hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là củng cố mạng lưới y tế cơ sở là nhiệm vụ cấp bách”, nghị quyết nhấn mạnh. Từ đó, Nghị định 01/1998/NĐ-CP ngày 3/1/1998 và Thông tư 02/1998/TTLB-BYT-BTCCBCP, ngày 27/6/1998 của Liên Bộ Y tế và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ được ban hành.
Theo đó, mô hình Trung tâm Y tế huyện được thực hiện quản lý theo ngành dọc y tế (sau khi được thực hiện thí điểm từ năm 1990). Hệ thống y tế ở địa phương từ đó được củng cố và phát triển.
Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương nói trên, xuất hiện hai tồn tại cơ bản đó là: Việc chia tách Trung tâm Y tế huyện thành Trung tâm Y tế dự phòng huyện và Bệnh viện đa khoa huyện đã có những hạn chế nhất định trong việc bảo đảm các nguồn lực và việc quy định Phòng Y tế quản lý các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đã làm cản trở đến tính liên thông trong hệ thống.
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập này, thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị đinh 14/2008/NĐ-CP, Liên Bộ Y tế, Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV.
Theo đó, ở cấp tỉnh: Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu và giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ở cấp huyện: Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện.
Như vậy, theo văn bản hướng dẫn của Liên Bộ nói trên, hiện nay đã cơ bản phân định rành mạch giữa: Cơ quan chuyên môn là Sở Y tế (cấp tỉnh), Phòng Y tế (cấp huyện) để tham mưu, giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp trên các lĩnh vực phòng bệnh, khám chữa bệnh. Thực tế hiện nay có 59/61 tỉnh (tương ứng 96,7%) đã quy định Trung tâm Y tế huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế.
Hoạt động sự nghiệp y tế đòi hỏi có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, có tính liên thông giữa các tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch, nhất là những bệnh dịch có tính lan truyền, nguy cơ lây lan nhanh, không thể phân chia cắt cứ theo đơn vị hành chính, cấp hành chính như hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác.
Trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa, các nguồn lực như: Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cần được tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động, luân chuyển hay huy động ở các tuyến, các tình huống khẩn cấp cần được xử lý thông suốt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND) được thông qua và không quy định “Ủy ban nhân dân huyện quản lý Trung tâm Y tế” thì việc quy định Trung tâm Y tế trực thuộc Sở Y tế là phù hợp. Hiện có 35/49 tỉnh, chiếm tỷ lệ 71,4% đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế “Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế”.