Số phận người di cư

LÃ THẾ TUẤN (Tổng hợp) 18/08/2015 15:40

Thời gian qua, hàng trăm nghìn người di cư “tràn” vào châu Âu đã thực sự trở thành vấn đề lớn. Hôm 9-8, cảnh sát bảo vệ bờ biển Italy đã phải ứng cứu gần 700 người di cư khi đang tìm cách vượt qua Địa Trung Hải. Trong khi làn sóng người di cư gia tăng, Chính phủ các quốc gia châu Âu buộc phải có những hành động “tự vệ”.

Trong vụ ứng cứu gần 700 người di cư hôm 9-8, đầu tiên là tàu hải quân Croatia khi đang tham gia chiến dịch tuần tra và cứu hộ của Liên minh châu Âu (EU) trên Địa Trung Hải, đã phát hiện một số xuồng cao su cách đảo Sicily 137 dặm về phía Đông Nam chở người di cư quá tải đến mức có nguy cơ bị lật. Cảnh sát bảo vệ bờ biển Ytaly đã đưa tổng cộng, 671 người, trong đó có 48 trẻ em và 108 phụ nữ ra khỏi những chiếc xuồng trong 5 đợt cứu hộ riêng rẽ.

Trước đó chỉ 1 ngày (ngày 8-8), hơn 400 người di cư được các tàu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) vớt khi đang gặp nạn ở ngoài khơi Libya.
Theo Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, khoảng 224.000 người di cư đã tới châu Âu bằng đường biển kể từ đầu năm tới nay, trong đó khoảng 98.000 người tới Italy và hơn 124.000 người tới Hy Lạp. Thống kê cho thấy, hơn 2.300 người di cư đã thiệt mạng trên đường tới châu Âu cũng trong khoảng thời gian này. Chưa hết, khi vào tới đất liền, người di cư cũng chưa thể nói là đã được sống. Bằng chứng cụ thể, ngày 8-8, một chiếc xe tải nhét 85 người, trong đó có 16 trẻ em, đã bị bỏ rơi trên đường cao tốc của Áo. Phần lớn trong số họ là người Afghanistan, bị nhốt trong xe tải ít nhất 12 giờ. Họ phải đục lỗ trên thành xe để lấy ôxy. Khi cảnh sát phát hiện, đã thấy 1 phụ nữ mang thai sắp tới ngày sinh đang quằn quại trong đau đớn.
Trước tình hình đó, Chính phủ nhiều nước EU quyết định triển khai sứ mệnh quân sự trên không và trên biển nhằm đối phó làn sóng vượt biên từ hướng Bắc Phi tràn qua, theo tuyến Địa Trung Hải. Bọn buôn người bị săn lùng, nhưng xử lý những con thuyền nhét đầy người thế nào lại là vấn đề không dễ. Trên thực tế, kế hoạch này đã được triển khai từ ngày 25-6, nhưng vấn đề vẫn không giải quyết triệt để. Người ta lo rằng, khi tấn công bọn buôn người, rất có thể người di cư cũng bị “lãnh đạn”.

Những người nhập cư được giải cứu bởi đội tuần tra biển ngày 20-4-2015

Con đường di cư lớn nhất hiện nay từ châu Phi là Địa Trung Hải. Đây một vùng biển thuộc Đại Tây Dương, được vây quanh bởi đất liền: phía bắc bởi châu Âu, phía nam bởi châu Phi và phía đông bởi châu Á, với diện tích 2.509.000 km² , chiều dài từ Đông sang Tây là 4.000 km. Các hải cảng quan trọng nằm bên Địa Trung Hải gồm: Barcelona, Marseille, Genova, Trieste, Haifa. Còn các nước thuộc Địa Trung Hải bao gồm: Tây Ban Nha, Pháp, Monaco, Italia, Malta, Slowenia, Kroatia, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Albania, Hy lạp, Thổ nhĩ kỳ, Síp, Syria, Libanon, Israel, Ai cập, Libya, Tunesia, Algeria, Ma rốc và Palestine.

Nhân viên cứu hộ bế một em bé khỏi tàu chở 98 người tị nạn ở cảng Sicilian, ngày 19-4-2015

Từ khi những dòng người di cư từ Bắc Phi, Trung Đông, châu Á ào ạt “chảy” vào châu Âu, Địa Trung Hải được mệnh danh là “vùng biển chết chóc”. Người ta không thể tin được có tới 700 người mất tích chỉ sau một vụ chìm tàu ở phía Bắc Libya. Chỉ có 28 người sống sót trong thảm kịch vượt biển kinh hoàng ấy. Vùng biển chết chóc Địa Trung Hải đã ghi nhận một số vụ ghê rợn:
-Tháng 12- 1996: 300 người di cư chết đuối tại vùng biển giữa Malta và Sicily (Italy)
-Ngày 20-6-2003: 50 thi thể được tìm thấy, 160 người mất tích và 41 người sống sót trong một vụ đắm tàu ở Tunisia
- Ngày 6-5-2011: Tàu chở hơn 600 người bị đắm ngoài khơi bờ biển Libya;
- Ngày 2-6-2011: 270 người thiệt mạng khi một con tàu chở 700 người bị đắm ngoài khơi bờ biển Tunisia
-Ngày 3-10-2013: 366 người chết trong vụ đắm tàu ngoài khơi Lampedusa (Italy)
-Ngày 10-9-2014: 500 người Syria, Palestine, Ai Cập và Sudan đã chết đuối do tàu của họ bị một tàu khác của những kẻ buôn người đâm trúng, tại khu vực ngoài khơi Malta.
-Ngày 9-2-2015: Ít nhất 29 người chết và 300 người mất tích sau khi 4 con tàu bị vào nước tại một vùng biển lạnh giá, sau khi rời bến ở Libya.
Theo số liệu của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), Địa Trung Hải là “vùng biển chết chóc” nhất đối với người di trên thế giới hiện nay. Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 9-2014, số người thiệt mạng ở vùng biển này là 3.072 người, chiếm đến 75% số người di dân thiệt mạng trên khắp thế giới trong cùng thời gian. Người nhập cư lậu trên Địa Trung Hải chủ yếu đến từ Syria, Libya, Iraq, Tunisia, Sudan, Erythria, Somalia, Afghanistan... Họ thường được các đường dây đưa đến ven biển Libya để từ đó sang Italy - là con đường ngắn nhất. Bọn buôn người đã lợi dụng tình thế và “địa lợi” thu lời từ những hành động bất lương.

Người nhập cư cố leo lên thuyền cứu hộ của Tây Ban Nha

Vẫn theo Tổ chức Di dân quốc tế, người tị nạn phải trả cho bọn buôn người với giá dao động từ 1.500-3.000 euro/người để được lên tàu. Họ rời bỏ quê hương để mong tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn ở vùng đất mới, bất chấp thảm kịch có thể đến bất cứ lúc nào. Xác định số người chết, thông thường cảnh sát biển chỉ đếm các thi thể được tìm thấy trên biển, trên các bãi biển hoặc tại các con tàu, nơi người di cư chết vì nắng nóng hoặc khát. Còn với những người đã chết trên thuyền thì thi thể của họ không bao giờ được tìm thấy vì đã bị ném xuống biển.
Bi kịch người di cư tới châu Âu sẽ vẫn còn tái diễn. Để giải quyết triệt để, thì phải giải quyết gốc của vấn đề đó là nạn đói nghèo nơi quê hương họ- nói như Tổ chức Di dân quốc tế.

LÃ THẾ TUẤN (Tổng hợp)