Phá rừng danh thắng Quốc gia hồ Phú Ninh, trách nhiệm thuộc về ai?

TẤN THÀNH 18/08/2015 16:46

Chiều ngày 18-8 làm việc với Đại Đoàn Kết liên quan đến vụ “Môi trường hồ Phú Ninh bị tàn phá (số ra ngày 9-8) và “Tan nát rừng thông Caribe (số ra ngày 13-8), phản ảnh về tình trạng, nhiều núi, đồi ở khu vực danh thắng quốc gia hồ Phú Ninh, Quảng Nam liên tục bị vàng tặc, lâm tặc cày xới, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Chúng tôi ch kiểm tra lại cụ thể và sẽ lý nghiêm những ai sai phạm!”

Tàn phá rừng ở danh thắng Quốc gia hồ Phú Ninh

5 lần kiểm tra phát hiện nhưng không báo cáo?

Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, những rừng thông Caribe hàng chục năm tuổi ở danh thắng Quốc gia hồ Phú Ninh bị triệt hạ. Kiểm tra mới đây của ngành lâm nghiệp càng cho thấy mức độ tàn phá rừng đã lên đến mức báo động. Điều đáng nói cho dù, danh thắng này có cả Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) và Kiểm lâm huyện bảo vệ.

Liên quan đến vấn đề trên, Công ty TNHH một thành viên Tiến Thiên Tân (Công ty Tiến Thiên Tân) ngày 12-8 có văn bản số 01/TT-KTT gửi Sở NN&PTNN cùng các đơn vị liên quan yêu cầu kiểm tra diện tích và số lượng cây thực tế. Công ty này cho rằng, nếu tính theo quy cách, lấy 28 lô (100m2/lô)/40,73ha nhân với số lượng cây theo thiết kế là không thực tế. Do thiết kế từ năm 2011 đến 7-2013 công ty mới trúng thầu và nhận bàn giao trên giấy. Sau khi công ty kiểm tra thực tế, xét thấy rừng thông bị lấn chím, chặt phá để trồng keo, lâm tặc đón lấy gỗ, cây thông chết,… thực tế còn lại không như thiết kế ban đầu. Công ty cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu kiểm tra thực tế nhưng BQLRPH không giải quyết. “Cho đến ngày 31-7 họ kiểm tra, lập biên bản cho rằng số lượng khai thác vượt so với thiết kế là 11.323 cây. Đây là con số dựa trên thiết kế năm 2011 hoàn toàn không chính xác, thực rừng bị lấn chím còn lại khoảng 30 ha” – ông Trần Tiến, giám đốc công ty trình bày với phóng viên.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra vụ việc, thì cho thấy, BQLRPH đã bàn giao hiện trường khai thác nhựa thông cho Công ty Tiến Thiên Tân trước khi có quyết định của Sở (?) Điều đáng nói, trong thời gian Công ty Tiến Thiên Tân thực hiện khai thác nhựa thông, BQLRPH đã tổ chức 5 đợt kiểm tra, trong đó có 2 đợt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Núi Thành đều khẳng định công ty khai thác sai quy trình, không đúng với hồ sơ thiết kế nhưng BQLRPH không đề xuất báo cáo Chi cục Kiểm lâm !?

Tàn phá rừng Caribe để trồng thông tại rừng phòng hộ Phú Ninh

Choáng với diện tích rừng bị tàn phá

Qua kiểm tra của ngành lâm nghiệp cho thấy, trong tổng số 121,13 ha rừng tự nhiên mà BQLRPH giao khoán cho các nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên (QLBVR và KNTSTN) chỉ còn có 28,652 ha, nghĩa là diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá lên đến… 92,505 ha.

Như tại khoảnh 5, Tiểu khu 596, có 12,39 ha giao cho nhóm hộ Tô Đức Kiểm đã bị phá hoàn toàn, trong đó 11 ha bị phá để trồng keo. Còn tại khoảnh 6, tiểu khu 596 có 82,36 ha giao cho nhóm hộ Nguyễn Lương Đào thì có đến 72,471 ha bị phá để trồng keo. Ở tiểu khu này ông Kiểm còn được giao 5 lô với diện tích 38,77 ha thì có đến 20,034 ha đã bị tàn phá để trồng keo.

Điều đáng nói, quá trình tàn phá rừng tự nhiên kéo dài nhiều năm. Cụ thể ở những ha rừng bị tàn phá này có diện tích mới gieo hạt, có nơi cây keo đã được 2-4 năm tuổi, tại sao BQLRPH và Hạt Kiểm lâm không có một động thái gì can ngăn. Càng đáng nói, hiện tại các diện tích rừng bị tàn phá vẫn đang được thực hiện các hợp đồng QLBVR và KNTSTN, có nghĩa tiền chi cho các hợp đồng vẫn được thực hiện? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Trước sự việc trên, mới đây Chi cục Kiểm lâm có văn bản số 363/CCKL-TTPC, yêu cầu Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Giám đốc BQLRPH tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và yêu cầu giải thích tại sao bàn giao hiện trường khai thác nhựa thông trước khi có quyết định. Hai ông Tô Đức Kiểm và Nguyễn Lương Đào đại diện cho 2 nhóm hộ thỏa mãn điều kiện gì mà được nhận khoán QLBVR và KNTSTN. Làm rõ trách nhiệm 2 nhóm hộ nói trên để rừng bị tàn phá. Quá trình giám sát, kiểm tra phát hiện sai phạm sao không xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý. Làm rõ việc 92,505 ha rừng tự nhiên bị tàn phá là do ai thực hiện để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tại buổi làm việc với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu là như vậy, nhưng phải tổ chức kiểm tra lại cụ thể để xác định mức độ sai phạm tới đâu. Thực tế trên thiết kế và giao khoán có đúng với hiện trạng hợp đồng. Nếu giao khoán sai sẽ xử lý cán bộ đo đạt, buông lỏng để rừng bị tàn phá thì xử lý cả người đứng đầu được giao nhiệm vụ này. Nếu ở mức hành sự sẽ chuyển cơ quan điều tra xứ lý theo đúng quy định pháp luật.

TẤN THÀNH