Ai hưởng lợi từ di sản?
Câu chuyện về làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) suốt một thời gian dài cũng có thể coi là một bài học về việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản “sống”.
Làng cổ Đường Lâm.
Hôm rồi, BQL phố cổ Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo với nội dung nhìn nhận lại 20 năm công tác bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội. 20 năm, tính từ 1995 đến 2015, một chặng đường không ngắn, nhưng cũng không quá dài, và cũng từng có biết bao chủ trương, dự án tôn tạo phố cổ Hà Nội đã được triển khai. Nhưng rốt cuộc, không chỉ giới nghiên cứu, người dân phố cổ mà cả những người yêu Hà Nội đều nhận thấy rằng, việc bảo tồn phố cổ là không hề đơn giản.
Cuộc họp lẽ ra để nhìn lại chặng đường bảo tồn phố cổ, bỗng chốc biến thành một diễn đàn để báo giới quan tâm đến dự án lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ Hà Nội.
Dẫu cho lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trước đó đã đăng đàn giải thích rằng, đó mới chỉ là đề xuất của quận, còn phải chờ đợi ý kiến đóng góp của giới chuyên gia, các đơn vị liên quan. Đặc biệt là ý kiến đóng góp của người dân. Điều này, trong những số báo trước chúng tôi đã đề cập.
Chỉ có điều, không chỉ riêng với phố cổ Hà Nội, lâu nay nhiều người vẫn đang băn khoăn với câu hỏi: Ai thực sự được hưởng lợi từ di sản? Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thì cho rằng, sau giai đoạn trùng tu thí điểm thì mặt phố Tạ Hiện đã được lát đá thử. Và sau khi lát đá tuyến phố này cho đến nay thì thấy rằng, đại đa số nhân dân đồng tình lát đá tuyến phố đi bộ ấy là hợp lý.
Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng hoan hỉ thông báo rằng: Trước khi lát đá, phường Hàng Buồm là nơi có tỉ lệ người không có việc làm lớn. Nhưng kể từ sau khi nơi đây trở thành phố đi bộ, được lát đá thì nguồn nhân lực tại chỗ đã tham gia phục vụ dịch vụ, phục vụ khách du lịch. Như thế, có nghĩa là việc lát đá có tốt hơn.
Không biết đã có những thống kê cụ thể về tỉ lệ người dân hưởng lợi từ di sản hay chưa, nhưng nếu chỉ nói chung chung thế, e là hơi cảm tính.
Câu chuyện về làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) suốt một thời gian dài cũng có thể coi là một bài học về việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản “sống”. Bởi khi người dân thấy mình “phải” tuân thủ quá nhiều mệnh lệnh, khi mà lợi ích họ được hưởng từ chính ngôi nhà của họ, từ chính không gian sống của họ được không đáng bao nhiêu. Thậm chí nhiều người cho hay họ còn không có được cảm giác làm chủ không gian sống của mình.
Câu chuyện phố đi bộ Hà Nội, khiến nhiều người liên tưởng tới phố đi bộ Hội An (Quảng Nam). Trong tháng 7 vừa qua tại TP Viên, nước Áo, Hội An đã vinh dự được nhận giải thưởng quốc tế Walk21- Hội An Livable City (Hội An sống tốt). Đây chính là cơ hội để quảng bá cho Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất nhiên, không phải bỗng dưng Hội An trở thành phố đi bộ thanh bình như ngày hôm nay.
Trước thời điểm có phố đi bộ (vào năm 2004), Hội An đã phải mất gần 4 năm chuẩn bị trưng cầu ý kiến của khách du lịch, thăm dò dư luận nhân dân trong khu phố cổ. Rồi cuối cùng Dự án phố đi bộ ở Hội An do Trung tâm Văn hoá – Thể thao thị xã Hội An đề xuất cũng đã chính thức trở thành hiện thực.
Lúc đầu, phố đi bộ điển hình được chọn ở đường Bạch Đằng (sát bờ sông Hoài) đoạn từ điểm giáp đường Hoàng Văn Thụ đến cầu An Hội, các tuyến phố hoàn toàn không có tiếng động cơ xe máy… Khi ấy, dù chỉ thử nghiệm trong vòng 1 tháng, và chỉ tổ chức vào hai ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), nhưng cũng chỉ có khoảng 47% cư dân phố cổ đồng tình với phố đi bộ. Song với chính quyền thị xã Hội An, chừng ấy thôi cũng đã là thành công bước đầu.
Để rồi cho đến 10 năm sau (năm 2014 )- phố đi bộ ở Hội An được mở rộng hơn. Người dân Hội An cảm thấy hài lòng bởi phố đi bộ, phố cung cấp sản phẩm du lịch giúp họ có quyền lợi về kinh tế. Còn khách du lịch đến Hội An có chung đánh giá rằng “Phố đi bộ” làm nên thương hiệu du lịch ở địa phương này.
Lại nói chuyện phố cổ Hà Nội. Năm 2014, Hà Nội mở rộng thêm 6 tuyến phố đi bộ thuộc khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội gồm: Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, chính thức hoạt động vào tháng 10/2014.
Cho đến thời điểm này, dù cho rằng việc có thêm các tuyến phố đi bộ đã và đang góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Thủ đô, nhưng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận hiệu quả của việc tổ chức các tuyến phố này, chưa đạt được như kỳ vọng: Kết nối không gian đi bộ mở rộng với tuyến phố thương mại Hàng Đào - Đồng Xuân, tạo thành chuỗi kết nối giữa tuyến phố dịch vụ với tuyến phố thương mại, góp phần thúc đẩy kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo ra giá trị không gian văn hóa mới cho nhân dân Thủ đô. Như vậy là đến thời điểm này tiềm năng phố đi bộ Hà Nội, vẫn còn bỏ ngỏ.
Có nhiều nguyên nhân làm khó quá trình bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ đã được phân tích. Nào là vì tính chất phố của Hà Nội có sự khác biệt với những khu phố cổ của các quốc gia khác như sự thay đổi phức tạp của mật độ dân cư, quá trình hiện đại hóa chóng mặt; trong lòng phố cổ có nhiều di tích văn hóa, lịch sử…nên việc áp dụng những dự án bảo tồn không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là việc người dân chưa thực sự thấy mình được hưởng lợi từ di sản. Thậm chí có những tuyến phố ở Hà Nội đã được lát đá, lát gạch đẹp đẽ để kỳ vọng trở thành nơi thu hút khách du lịch, nhưng chính bản thân con phố ấy, ngoài việc bán hàng ăn đơn thuần, thì không có một địa chỉ văn hóa nào.
Thành thử, không ít ý kiến cho rằng, có thể có một lượng không nhỏ những dự án bảo tồn các di tích lâu nay được “vẽ” ra để tiêu tiền ngân sách…