Căng thẳng những ngày cuối xét tuyển

Huyền Trang 19/08/2015 04:55

Những ngày cuối là những ngày vô cùng căng thẳng với các thí sinh. Đa số các thí sinh trụ lại ở gần trường để kịp thời cân nhắc nộp hoặc rút hồ sơ… Các trường cũng khổ sở không kém khi phải cử người thu hồ sơ, trả hồ sơ.

Căng thẳng những ngày cuối xét tuyển

Hôm nay (19/8) và ngày mai (20/8) là hai ngày còn lại cuối cùng để cho các thí sinh (TS) vừa dự thi THPT quốc gia (dùng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ) quyết định số phận của mình. Tuy nhiên, ngoài những TS trong tốp an toàn, luôn đứng ở vị trí đầu chỉ tiêu, thì bất cứ ngành nào cũng có những TS rơi vào vùng nguy hiểm. 2 ngày cuối là 2 ngày quyết định vô cùng khó khăn của các em. Sẽ "nín thở" chờ kết quả, hay sẽ rút hồ sơ nộp vào trường khác với số điểm an toàn là điều mà không phải TS nào cũng dễ dàng quyết định.

Mức điểm sát chuẩn: băn khoăn nên rút hay ở lại?

GS Nguyễn Quang Dong,
Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân:

Trường ĐH Kinh tế quốc dân là trường tốp đầu điểm chuẩn tương đối cao. Chúng tôi cùng rất tiếc cho các TS không vững tâm theo dõi kết quả. Có những em đạt 24, 25 điểm vẫn xin rút hồ sơ, vì có tâm lý sợ. Về việc rút hồ sơ của nhà trường trong những ngày qua rất đơn giản. Chúng tôi có cách sắp xếp hồ sơ tốt, lấy mã, và có phân loại hồ sơ cho nên mỗi một TS đến chỉ mất khoảng vài phút là xong. Trong hội trường cũng thấy không một ai phải đứng xếp hàng cả. Tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho TS.
Còn điểm chuẩn (đến ngày -8) có 3 ngành học trước đây điểm chuẩn là 22 điểm hoặc 21,75 điểm thì đã có ngành hạ xuống tới 19 điểm. Như vậy có thể thấy sự dao động rất lớn. Thậm chí có thể không đủ chỉ tiêu. Đó là một con số rất ít khi xảy ra ở ĐH Kinh tế quốc dân.

Hạn chót theo quy định của Bộ GD&ĐT, 17 giờ ngày 20-8 chúng tôi sẽ ngừng nhận hồ sơ tại điểm thu nhận hồ sơ này. Những hồ sơ nào mà gửi theo đường bưu điện thỏa mãn điều kiện chúng tôi cũng vẫn sẽ nhận bình thường. Còn nếu lúc đó có đông người đến nộp hoặc rút quá thì chúng tôi sẽ ngừng thao tác online trên hệ thống máy tính để nhận hồ sơ, và xử lý sau.

Thủy Anh (ghi)

Riêng trong buổi sáng 18/8 đã có hàng trăm TS đến ĐH Y Hà Nội để thăm dò xem có nên rút hồ sơ hay không. Một số TS thì đến để thay đổi nguyện vọng vào những ngành thấp hơn. Theo tổ tư vấn xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội: Các TS từ 27,5 điểm mấy hôm nay đã đi rút hồ sơ rồi, mặc dù mức điểm này theo số lượng TS hiện tại vẫn đang là những TS đỗ nếu nộp vào ngành cao nhất của trường là Bác sĩ đa khoa. Mức điểm đỗ tính đến hôm qua vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 27,75 điểm.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyễn Thị Thúy Hằng (quê ở Thanh Chương - Nghệ An) đạt 26,75 điểm (đã tính điểm ưu tiên) cho 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Với số điểm này, Hằng tự tin nộp hồ sơ vào ngành Bác sĩ Răng hàm mặt của trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, đến những ngày cuối, Hằng đã phải quay lại trường để rút hồ sơ.

Hằng chia sẻ: “Em xem danh sách TS đăng ký xét tuyển vào ngành Bác sĩ Răng hàm mặt, nếu trừ những bạn đăng ký Y đa khoa xuống nguyện vọng 2 và những bạn được tuyển thẳng thì em đứng thứ 70 hoặc 75 (chỉ tiêu 80). Các cô bảo vẫn có cơ hội nhưng em thấy không an toàn lắm. Các ngành khác thì “không có hứng thú”.

Hằng cho biết thêm: Với số điểm này em vẫn có thể xếp ở vị trí 230 của trường ĐH Y dược Huế (ngành Bác sĩ đa khoa), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này là 600.

Hai bố con một TS khác cũng từ Phú Thọ tới ĐH Y Hà Nội từ sáng sớm mang trong mình những băn khoăn không biết có nên rút hồ sơ hay không. Theo TS này chia sẻ, với mức điểm 27,75 hiện tại em vẫn nằm trong tốp những TS đỗ vào ngành Bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên em vẫn băn khoăn bởi vì không biết trong hôm nay và ngày mai có bao nhiêu TS điểm hơn em sẽ lại tiếp tục nộp vào ngành này. Mặc dù em cũng đăng ký thêm nguyện vọng vào một số ngành khác, nhưng thật sực em không muốn học.

Cả ngày hôm qua hai bố con cứ vạ vật quanh ĐH Y Hà Nội để thăm dò xem có nhiều TS điểm cao nộp vào trường không, hoặc có nhiều TS bằng điểm mình rút hồ sơ không... TS này cho biết, với mức điểm 27,75 nếu em rút hồ sơ nộp vào ĐH Tài chính thì chắc chắn sẽ đỗ. Tuy nhiên em cũng rất tiếc nếu như mình đủ điểm vào được ngành Bác sĩ đa khoa...

Không ngừng kêu mấy hôm nay TS khổ quá cứ đến rút hồ sơ rồi lại nộp, GS Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, riêng trong sáng (18/8) đã có tới 200 TS tới trường rút hồ sơ. Ông tiếc cho các TS điểm cao nhưng không vững tâm đến cùng.

Băn khăn khá lâu ở điểm nộp hồ sơ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trần Thị Như Quỳnh cho biết: Em đạt 24,75 điểm đã nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế của ĐH Kinh tế quốc dân. Tuy nhiên với ngành Kinh tế quốc tế, hiện tại điểm chuẩn đã lên tới 25,5 điểm nên em không có khả năng đỗ.

Còn Kinh doanh quốc tế hiện tại lấy 24,5 điểm (đủ điểm đỗ) nhưng em lại không thích học.

Quỳnh chia sẻ rằng “lo lắng lắm”, em giữ hồ sơ lại chẳng may cũng trượt nốt ngành kia thì “coi như xong”. Cuối cùng em quyết định vào rút hồ sơ để về suy nghĩ xem nên nộp sang Học viện Ngân hàng hay ĐH Tài chính.

Với 2 trường này, mức điểm của Quỳnh để đăng ký vào các ngành Kế toàn tài chính (ĐH Tài chính) hoặc Tài chính ngân hàng (Học viện Ngân hàng) thì khả năng đỗ là rất cao.

Căng thẳng những ngày cuối xét tuyển - 1

Thí sinh tham gia xét tuyển NV1 trong ngày 18/8 tại Đại học Y Hà Nội.

TS điểm cao chọn những ngày cuối để nộp hồ sơ

Trong khi nhiều TS đổ xô đi rút hồ sơ thì không ít em mãi tới gần ngày cuối cùng mới đi nộp hồ sơ. Đến Trường ĐH Y Hà Nội ngày hôm qua (18/8) mới thấy không khí của những ngày cuối nộp hồ sơ nguyện vọng 1 rất căng thẳng.

Những TS điểm cao đến tận hôm qua vẫn chưa buồn đi nộp hồ sơ mà còn tới trường chỉ để thăm dò, xem cách thức nộp hồ sơ ra sao. Chẳng hạn với mức điểm khoảng 30 cả điểm cộng, TS Nguyễn Thanh Quỳnh thừa sức đỗ tất cả các ngành của ĐH Y Hà Nội, thế nhưng mãi tới sáng 18/8, hai bố con Quỳnh mới đến để nghe tư vấn cách thức nộp hồ sơ.

Ở mức điểm khá cao nhưng Quỳnh cho biết em chỉ thích ngành Điều dưỡng, và sẽ nộp vào ngành này. Tổ tư vấn của Trường cũng khuyên em nên cân nhắc, vì mức điểm của em có khả năng đỗ tất cả các ngành. Tuy nhiên, yêu thích ngành nào thì nên vào ngành đó, để phát huy được hết khả năng của mình.

Theo một cán bộ làm công tác xét tuyển của ĐH Y Hà Nội: Từ sau ngày 10/8 các em rút hồ sơ hàng loạt, trong khi đó nhiều em vẫn chưa nộp hồ sơ. Có những em 27, 28 điểm cũng chưa dám nộp. Thời gian thu hồ sơ 20 ngày dài dằng dặc, Trường khổ sở, phòng điêu đứng, công việc khác bỏ hết ra để thu hồ sơ và ngồi chờ TS.

Với các TS nộp hồ sơ vào ĐH Y Hà Nội, các thầy cô luôn khuyên các em phải chịu khó, chấp nhận những khó khăn, sẽ phải trực đêm, thức đêm... Tuy nhiên đây cũng là một môi trường rất tốt với những thầy cô tâm huyết. Các bạn vào Trường cũng đều là những bạn có khả năng, kiến thức tốt... để cho TS cân nhắc nộp hồ sơ theo học.

Quả thật, càng tới những ngày cuối điểm chuẩn của các trường càng dao động bất thường. Các TS cũng khó lòng mà ngồi yên ở nhà chờ, nếu như chỉ đạt mức điểm hiện tại gọi là “đủ để đỗ” vào một ngành nào đó. Bởi vì chẳng may, những ngày cuối ngành mình đăng ký lại có nhiều hồ sơ nộp vào, thì coi như mình đã trượt dù có đạt điểm cao. Điều lo lắng hơn nữa, đó là một số trường ở tốp trên đa số đều khẳng định rằng sẽ chỉ tuyển sinh ở đợt 1 như Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương...

Những trường này hoặc lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, hoặc lấy tới 70-80%. Như thế cũng có khả năng, các TS điểm cao chẳng may bị trượt ở nguyện vọng 1 sẽ không được học ở những trường tốp đầu. Bởi thế, những ngày cuối là những ngày vô cùng căng thẳng với các em. Đa số các TS trụ lại ở gần trường để kịp thời cân nhắc nộp hoặc rút hồ sơ…

GS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi:

Các TS năm nay có 4 lựa chọn nên khả năng trúng tuyển sẽ cao. Tuy nhiên với những bạn chỉ thích một ngành của 1 trường thì sẽ băn khoăn nhiều hơn. Thường các bạn rút hồ sơ từ vài ngày trước, còn ngày gần cuối cùng rút thì có nhiều khả năng là quen biết người ở trường khác, nắm bắt được ít nhiều thông tin…

Trong những ngày cuối ĐH Thủy lợi cũng chuẩn bị tăng số lượng người nhận hồ sơ, đặc biệt là tư vấn cho các em, trong trường hợp các em không đỗ ngành đăng ký thì các em chọn sang ngành khác.

Với cách xét tuyển năm nay TS vất vả hơn, nhưng lại có nhiều cơ hội lựa chọn, tránh tình trạng điểm cao vẫn trượt. Năm nay điểm cao vẫn trượt ít hơn, đỡ phải phàn nàn. Để cho xã hội thoải mái thôi. Cách này không đúng, một là sơ bộ về năng lực, hai là anh yêu thích ngành gì thì vào. Rất nhiều trường hợp như thế này thì bố mẹ lo lắng và chọn cho con. Bởi vì anh được bằng này điểm thì bố mẹ đi tìm hiểu nên chọn thế nào…

Theo tôi, phổ thông thì giao cho các Sở làm là xong. Bằng đại học, bằng thạc sĩ, tiến sĩ các trường đều cấp và tự làm. Đó là những bằng để hoạt động nghề nghiệp rất quan trọng đến con người, kinh tế xã hội, trong đó bằng cấp ba thì xác nhận là anh đã học xong 12 năm. Trong khi đó cứ lo lắng bằng đó phải quốc gia. Không cần phải thế. Các Sở cứ ra đề, Bộ kiểm tra giám sát theo quy trình, quy định, quy chế, cho các em đỗ, để sau này các em không học tiếp thì đi làm công nhân, hoặc vào ĐH.

Trước mắt thì thi theo kiểu 3 chung, trường nào coi, trường nào chấm, lấy sinh viên vào trường nào như vậy không còn tình trạng trường nào coi dễ lắm. Vùng kia chấm lỏng. Thực ra, năm nay có thể thế, sang năm sẽ rất phức tạp. Vì các địa phương nhiều võ, các sở nhiều võ, các trường phổ thông nhiều võ chỉ có trường ĐH vẫn cứ làm nghiêm chỉnh. Năm nay đợt đầu thôi, sang năm lại “rối tùng beng”.

Phong Vũ (ghi)

Huyền Trang