BQL rừng phòng hộ trả lời vụ “Phá rừng danh thắng Quốc gia hồ Phú Ninh…?
Sáng ngày 19-8, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (BQLRPH) đã có nội dung giải trình vụ “Phá rừng danh thắng Quốc gia hồ Phú Ninh, trách nhiệm thuộc về ai?” (số ra ngày 18-8-2015), mà Đại Đoàn Kết Online đã có bài phản ánh.
Theo ông Nguyễn Xuân Phước, Giám đốc BQLRPH, đây là văn bản mà BQL báo cáo Sở NN&PTNT cũng như Chi cục Kiểm lâm, qua đây cho thấy, quá trình kiểm tra, rà soát, tổng hợp số vi phạm đã lập biên bản trong năm 2015 trên lâm phận BQLRPH là 33 vụ, trong đó phá rừng là 21,97 ha; chiếm đất lâm nghiệp 95,21 ha.
Trả lời cho câu hỏi, tại sao có việc trồng keo trong diện tích giao khoán rừng tự nhiên? Ông Phước cho rằng, do các đối tượng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo sau khi giao khoán bảo vệ rừng mà các tổ nhận khoán và quá trình nghiệm thu không phát hiện để báo cáo. Do thiết kế lập hồ sơ giao khoán có sai sót, xác định diện tích hiện trạng rừng không chính xác, đã có diện tích trồng keo trước khi giao khoán chứ không phải là rừng tự nhiên.
Rừng Phú Ninh đang bị tàn phá.
Đối với, Công ty TNHHMTV Tiến Thiên Tân trong việc sai phạm về bảo vệ, khai thác nhụa thông Caribe. BQLRPH cho biết, số cây thông nhựa chết trước khi khai thác là 15 cây, nguyên nhân chết là do gãy ngọn và chết đứng tự nhiên. Trách nhiệm việc khai thác nhựa thông sai quy trình kỹ thuật và hợp đồng bán đấu giá thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Trong quá trình kiểm tra BQLRPH có phát hiện công ty khai thác sai quy trình đã yêu cầu công ty tháo toàn bộ máng khai thác ở những cây sai quy định. “Việc này đã có báo cáo và phối hợp với Hạt Kiểm lâm Núi Thành kiểm tra yêu cầu công ty chấn chỉnh, đề nghị Hạt Kiểm lâm xử lý, chứ BQLRPH không có thẩm quyền xử lý”- ông Phước nói.
Đối với câu hỏi về trách nhiệm để mất rừng theo hợp đồng đã ký kết với BQLRPH thì trách nhiệm thuộc về ai? BQLRPH cho rằng, bên nhận khoán phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Việc kiểm tra, giám sát thuộc trách nhiệm của cán bộ đứng điểm tại xã của BQLRPH, trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn xã theo quy định của Quyết định 83/QĐ-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT.
Nếu không xử lý mạnh, rừng tự nhiên ở Phú Ninh sẽ không còn
Giám đốc BQLRPH xác nhận, thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng rừng diễn ra đã lâu do nhiều nguyên nhân. Nhiều biện pháp xử lý đã được áp dụng, trong đó có việc giao khoán cho các nhóm hộ nhận khoán để bảo vệ rừng, nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng trên. BQLRPH đã nhiều lần báo cáo và nổ lực kiểm tra, truy quét, kể cả biện pháp chặt, nhổ cây trồng trái phép, nhưng do diện tích quá rộng, địa hình phức tạp, nhân lực quá ít, BQLRPH lại không được phép xử lý các hành vi vi phạm nên trình trạng trên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Hiện nay BQL đang phối hợp với các nhóm hộ nhận khoán, UBND xã Tam Sơn và Hạt Kiểm lâm Núi Thành đang tiếp tục kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn tình trạng lấn chím, phá rừng.
Thiết nghĩ, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Quảng Nam cần sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân do đâu rừng tự nhiên bị tàn phá, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân để xử lý theo pháp luật, ngăn chặn tình trạng phá rừng ở danh thắng này đang diễn ra rất nóng.