Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945: Sức mạnh của khối đại đoàn kết
Ngày 19-8, dưới mái nhà Mặt trận, cuộc gặp gỡ của những người tham gia trực tiếp cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào đúng ngày này 70 năm về trước đã diễn ra hết sức xúc động. Những nhân chứng tham gia cuộc gặp mặt đều khẳng định vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh- tiền thân của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp đoàn kết toàn dân làm nên thành công Cách mạng tháng Tám.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp mặt
Tới dự cuộc gặp mặt có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; GS. NGND, nhà sử học Phan Huy Lê; ông Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ… cùng nhiều cụ là nhân chứng lịch sử của sự kiện Cách mạng tháng Tám. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc gặp mặt.
Nhân chứng sống của lịch sử
Sau 70 năm, những người trực tiếp tham gia cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội có mặt trong buổi gặp gỡ xúc động này trẻ nhất cũng 83 tuổi, cao tuổi nhất đã 100 tuổi. Chính các vị, như cụ Nguyễn Văn Trân (100 tuổi) - nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên quân sự cách mạng Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại (83 tuổi) - nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu; cụ Lê Đức Vân (89 tuổi) - phụ trách Thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách báo Hồn Nước… là nhân chứng sống, bảo tàng sống của lịch sử dân tộc.
Sự hiện diện của các cụ, các vị lão thành cách mạng dưới mái nhà Mặt trận vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã là một món quà vô cùng trân quý đối với thế hệ những người sinh sau Cách mạng tháng Tám.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân xúc động bày tỏ, thông qua hồi ức của các cụ, mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu được giá trị to lớn của cuộc cách mạng long trời lở đất cách đây 70 năm, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam mới. Đặc biệt, giành chính quyền mà không nổ súng, đó là một sự sáng tạo đặc biệt. “Chúng ta giành được chính quyền mà không phải đổ máu ngay tại Thủ đô Hà Nội. Thế hệ trẻ cần hiểu rõ điều đó để tự hào hơn về lịch sử của dân tộc”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Những nhân chứng lịch sử có mặt tại cuộc gặp mặt đã cùng ôn lại những hồi ức về Cách mạng tháng Tám, từ việc Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo, cướp kho súng Nhật, trừ khử mật thám, Việt gian..., đến việc toàn dân đồng lòng xuống đường mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Từ đó tạo nên thời cơ chín muồi để Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại - nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, người chụp ảnh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 17 và 19-8-1945 kể lại, lúc đó ông mới chỉ là một thiếu niên (học sinh trường Bưởi, Hà Nội). Ông nhắc tới việc thành công của Xứ ủy Hà Nội trong việc phá cuộc mít tinh ngày 17-8 của Chính phủ Trần Trọng Kim. “Đó là điều hết sức quan trọng. Nếu khởi nghĩa sớm hay muộn đều sẽ không thành công”- ông Thoại nói. Ông nhớ lại, lúc đó tình hình Hà Nội căng như dây đàn. “Lúc đó họ đề nghị Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, họ ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ngày 17-8 ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, vận động đồng bào tham gia. Hồi đó chúng tôi đi phá mít tinh, gặp mưa, rét mướt. Có những cụ già, tóc bạc phơ vừa đi vừa giơ tay kêu to “Ủng hộ Việt Minh”. Thực ra, lúc đó dân mình đã theo Việt Minh hoàn toàn” - Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại nhớ lại.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu
Còn với cụ Trần Văn Nội, người tham gia phá kho thóc Nhật, năm nay đã 89 tuổi tâm sự, Cách mạng tháng Tám thành công là nhờ đoàn kết được toàn dân. Có dân là có cách mạng, có thành công.
Thành lập Việt Minh là một sáng kiến vĩ đại
Lắng nghe những hồi ức sống động từ những “nguồn tư liệu sống”, GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cảm thấy mình rất may mắn khi được dự cuộc gặp gỡ đặc biệt này. Theo ông, Cách mạng tháng Tám có hai bài học lớn. Thứ nhất là cuộc cách mạng đã biểu hiện lòng yêu nước cùng sức mạnh quật khởi của cả dân tộc, chính vì vậy chính quyền của Trần Trọng Kim, sau này là chính quyền Nhật hoàn toàn không chống đối. Đây cũng là trang sử huy hoàng của Mặt trận Việt Minh. Chưa bao giờ chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lớn lao như trong cách mạng tháng Tám.
Thứ hai, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ. Đây không phải là cuộc đấu tranh bình thường, đó là cuộc đấu tranh giành chính quyền. Ngay từ đầu, Bác Hồ đã nhìn ra được thời cơ, chuyển hướng sang cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. “Thành lập Việt Minh là một sáng kiến vĩ đại. Việc nhận ra thời cơ, chớp thời cơ là thiên tài cách mạng của Bác, cùng với đó là đưa ra chiến lược, sách lược để chỉ đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc”- GS Phan Huy Lê khẳng định.
Càng về cuối buổi gặp gỡ, những câu chuyện sống động của người trong cuộc càng khiến người nghe ngập chìm trong ký ức, trong những tràng vỗ tay không ngớt như một lời tri ân, trong cả những khoảng lặng tưởng nhớ không nói nên lời của các nhân chứng lịch sử…
Đặc biệt khi cụ Nguyễn Văn Trân (100 tuổi), nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đứng lên khẳng định: “Đây là cuộc cách mạng của toàn dân, nếu Đảng mà không nắm được dân thì không thể thành công. Bài học đó phải được thấm thía đến tận hôm nay, nếu chúng ta nắm được dân thì sẽ xây dựng đất nước tiến nhanh hơn. Cần phát huy bài học phát huy sức dân, dựa vào dân của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám để phát triển sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay”- cụ Nguyễn Văn Trân nói.
Về vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định, quan trọng là cần phải chuyển hóa bài học của Cách mạng tháng Tám vào bối cảnh hiện nay để công cuộc xây dựng đất nước tiến nhanh, tiến mạnh hơn. “Bài học cơ bản của Cách mạng tháng Tám chính là đoàn kết nhân dân và dân đứng lên làm cách mạng dưới dự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Những bài học quá khứ cần được phát huy Cách mạng tháng Tám không phải là giải phóng dân tộc xong là thôi, mà là để đi lên xây dựng CNXH. Khi khó khăn, chúng ta vận động 1 người để từ đó có 10 người, 1.000 người đi theo hưởng ứng và bây giờ cũng phải làm được như vậy. Những bài học quá khứ của Đảng, của Bác cần được phát huy, trong đó cần chú trọng tránh việc quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa. Gần dân, sát dân sẽ phát huy được sức mạnh của dân qua đó xây dựng đất nước theo con đường Bác Hồ đã chọn. Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt: Bài học từ sự đoàn kết dân tộc Đại đoàn kết dân tộc là bài học đã được tổng kết từ lâu. Cách mạng tháng Tám nếu không tập hợp được sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc thì chắc chắn không thể khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Trong quá trình khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tài tình của Bác Hồ, mặc dù lúc đó lực lượng của ta rất mỏng nhưng đã biết phát huy tất cả sức mạnh của các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, các tầng lớp, các trí thức yêu nước cả trong và ngoài nước. Việc này đã được Đảng ta chuẩn bị từ năm 1941 khi có Mặt trận Việt Minh. Vì thế chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn Cách mạng tháng Tám đã thành công. Việc này thể hiện chính sách của Đảng đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân, các giai cấp khác nhau để đẩy các phong trào yêu nước lên cao độ .Có thể họ là những người giàu có, người có vị trí cao trong xã hội nhưng họ vẫn là người dân của một đất nước bị nô lệ. Đảng ta đã làm rõ được điều đó nên người dân một lòng theo Đảng, biến thành lực lượng Đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo sư sử học Phan Huy Lê: Những nhà làm sử vẫn mắc nợ với dân tộc Chia sẻ với những ý kiến của các cụ lão thành cách mạng, GS Phan Huy Lê khẳng định tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám với lịch sử dân tộc là hết sức lớn lao, nhưng theo ông, đến nay, đáng tiếc vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào xứng tầm về sự kiện này. “Những nhà làm lịch sử Việt Nam vẫn còn mắc nợ với dân tộc và chúng tôi xin hứa sẽ hoàn thành trọng trách với lịch sử Việt Nam”- ông nói. PV Bức ảnh lịch sử ngày 17-8 Về bức ảnh trước đây vẫn được sử dụng để minh họa cho ngày Tổng khởi nghĩa 19-8, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại cho biết, cách đây vài năm ông đã gặp gỡ một số tờ báo và cơ quan lưu trữ lịch sử quân sự để đính chính lại: Đây là bức ảnh chụp chiều 17-8-1945. Trong bức ảnh, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trước cửa Nhà hát Lớn. Trước đó, chiều ngày 17-8, Tổng hội công chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chỉ đạo phải phá cuộc mít tinh này. Các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành Hà Nội cùng đông đảo 15 vạn nhân dân tràn ngập trước và xung quanh Nhà hát Lớn. Các đội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong Việt Minh đứng lẫn trong quần chúng. Cuộc mít tinh vừa khai mạc, thì nhiều lá cờ đỏ sao vàng nhỏ xuất hiện trong đám đông, đồng thời một lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn được buông xuống từ ban công tầng 2 Nhà hát Lớn trong tiếng hoan hô “Ủng hộ Việt Minh” vang dậy của quần chúng. Sau đó, cuộc mít tinh chuyển thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh suốt dọc các tuyến phố Hà Nội. CT |
Dạ Yến - Vũ Mạnh - Nguyễn Phượng