Làm gì khi trẻ suy dinh dưỡng?

Hà Minh 20/08/2015 16:10

Theo số liệu giám sát của Viện Dinh dưỡng, hiện ở Việt Nam có 1,2 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 14,5%. Số trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi lớn hơn nhiều, lên đến 2,1 triệu trẻ. Theo đó, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị nhẹ cân. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.

Làm gì khi trẻ suy dinh dưỡng?

Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời bởi sự hồi phục đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Can thiệp sớm ngay từ khi trẻ có một trong những biểu hiện rối loạn về dinh dưỡng là điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Con số này được Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng công bố chiều ngày 5-8, tại Hội thảo Hiệu quả của probiotics lên tình trạng dinh dưỡng, miễn dịch và tiêu h​óa của trẻ em, do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ, nguyên nhân phổ biến là do việc nuôi dưỡng kém, hoặc trẻ không được bú sữa mẹ. Việc nuôi dưỡng kém có hai loại: Thứ nhất là ăn uống không khoa học. Cụ thể, rất nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng do cha mẹ cho ăn dặm không đúng về lượng và chất. Ví dụ như thời kỳ bắt đầu ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm, ăn thêm) cho đến khi cai sữa là trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất. Nhiều bậc cha mẹ không biết, khi trẻ 3 tháng đã bắt đầu cho ăn dặm, hoặc tới tận 7 tháng mới cho ăn dặm; cách cho ăn không đúng về số lượng và chất lượng, thiếu vệ sinh dẫn đến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, rối loạn về tiêu hóa, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tật…

Ngoài ra, khi trẻ mắc một số bệnh thông thường như tiêu chảy, đau bụng thì lập tức cho trẻ ăn kiêng như ăn cháo muối hoặc ăn bột với nước mắm, mì chính kéo dài đến khi trẻ khỏi bệnh khiến trẻ bị thiếu chất và gây nên suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó phải kể đến những bệnh nhiễm khuẩn như sởi, ho gà, viêm phổi, lao, hội chứng lỵ làm cơ thể trẻ suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài cũng làm trẻ bị suy dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những trẻ bị suy dinh dưỡng thường có những dấu hiệu như: Không lên cân hoặc giảm cân; Teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo; Da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu; Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa; Đi ngoài phân sống, Chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân; Trẻ chậm phát triển vận động; Trẻ thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay buồn bực, ít vui chơi, kém linh hoạt. Trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng khi số cân của trẻ ít hơn 20% so với chuẩn trung bình. Chiều cao của trẻ ít hơn 10% so với chuẩn trung bình.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, việc bị suy dinh dưỡng khiến trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn do sức đề kháng kém hơn. Trẻ cũng có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu canxi dẫn đến còi xương, thiếu kẽm. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật viêm họng, viêm phế quản, sốt…

Với trẻ suy dinh dưỡng, theo các chuyên gia y tế thì nên cho trẻ ăn ngày 5 - 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Nên ăn thêm bữa phụ, ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ăn ít hơn nửa chén thì ta cho trẻ uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua..., vì làm như vậy trẻ đỡ chán ăn.

Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng phải ăn cả chất xơ. Do đó, khi chế biến phải chú ý băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Lưu ý không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ không muốn ăn bữa chính.

Hà Minh