Đi học nơi cuối dãy Trường Sơn

ĐOÀN XÁ 20/08/2015 16:15

Nằm chênh vênh trên những ngọn núi hùng vĩ của dải Trường Sơn, những ngôi trường nhỏ bé vùng Bảo Lâm (Lâm Đồng) không chỉ là nơi học của hàng ngàn các em học sinh mà còn nơi để các em lớn lên, là cầu nối tình người giữa thầy cô giáo với những đồng bào dân tộc người Mông, người Tày, người Raglai, người Mạ nơi đây. Vì thế, con chữ không chỉ để dạy lớp trẻ làm người mà còn là niềm tin vào cuộc sống, tương lai giữa điệp trùng đồi núi. Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng chuyện học ở mảnh đấ

Đi học nơi cuối dãy Trường Sơn

Con chữ ở xứ mù sương

Những vòng cung đồi núi hiểm trở đang trải dài ngút ngát trước mặt, lẩn khuất trong bịt bùng sương mù kia chính là những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn huyền thoại. Ngày nay, dù có nhiều thay đổi nhưng cuộc sống ở dải đất rộng lớn này vẫn còn khá nghèo, đường sá đi lại vẫn còn khó khăn. Thế nhưng chuyện học của những trẻ em lại được cha mẹ và cả những thầy cô giáo nơi đây hết lòng vun đắp. Điển hình trong số đó là ở điểm trường làng Mông thuộc trường Tiểu học Tà Ngào ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm). Từ thành phố Bảo Lộc, men theo đường quốc lộ 55, mất thêm hơn 30 cây số đường rừng quanh co đèo dốc, chúng tôi tìm vào điểm trường này vào một buổi sáng trời se sẽ lạnh đầu mùa mưa cũng là thời điểm mà hầu hết các em nhỏ ở trong thôn ấp, trong những cụm dân cư sâu trong sườn núi đang hối hả theo nhau đến trường chuẩn bị một năm học mới. Hai bên đường, ngoài những đồi trà, đồi cà phê bạt ngàn thấp thoáng đang bước vào vụ thu hoạch chính là hình ảnh thân thuộc của những em nhỏ lam lũ cùng nhau tới trường.

Ngồi cùng già làng Thào Hùng Khải trong một buổi sớm Tây Nguyên, tôi được nghe người đã gắn bó nửa đời mình với mảnh đất này tâm sự. Theo đó, hầu hết cư dân ở vùng này đều là người phía Tây Bắc ở Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn… nhưng di cư vào đây theo diện chính sách từ gần 30 năm trước. Ngày ấy, nơi này là một thung lung hoang vắng, chỉ có thú hoang và những rừng núi rậm rạp mà thôi. Vậy nhưng, nhờ sự cần cù chăm chỉ, nhờ thứ đất bazan màu mờ này mà trồng trà thì trà cho lá xanh, trồng cà phê thì cà phê cho trái chín, trồng cây bắp, củ mì đều thu được những hoa trái mình cần. Không chỉ người dân có cái ăn, cái mặc mà từ đó, những đứa trẻ được học hành. Vậy nhưng, để học được cái chữ, từ bản làng này tới trung tâm xã với khoảng cách chừng gần 20 cây số đường rừng là điều không thể. Để làm được điều này, người ngồi bên cạnh già làng, cô giáo Nguyễn Thị Trúc, từng gần 20 năm dạy học ở đây cho biết. Trước kia, làng Mông chỉ vài chục hộ, sinh sống men thung lũng dưới chân núi Chúa nên các em nhỏ đến tiểu học Tà Ngào để học cũng dễ dàng nhưng càng về sau, những gia đình khác đến sinh sống, mọi người phải tìm đến những sườn đồi, đỉnh núi khác để định cư khiến các em nhỏ đi học ngày càng xa. Có em, chỉ mới gần 10 tuổi nhưng mỗi ngày đã đi bộ hơn chục cây số để đến trường. Thế nên, hơn 10 năm trở lại đây, để phục vụ các em nhỏ, nhiều điểm trường nhỏ lẻ làng Mông này được xây dựng lên, rút ngắn khoảng cách đi học cho các em. Vậy nhưng, điều đó đồng nghĩa với các thầy cô giáo từ đến điểm trường sẽ xa hơn.

Đi học nơi cuối dãy Trường Sơn - 1

Ngôi trường trên đỉnh Trường Sơn

Như cô Trúc, từ nhà ở trung tâm xã đến điểm trường cũng mất 15 cây số, ngày đi về là 30 cây mà toàn đường rừng, đèo dốc chông chênh, mùa mưa nước phía sông Đại Bình cuồn cuộn nhìn mà muốn khóc. Kể về những ngày tháng ấy, cô Trúc nói: “Ban đầu cứ tưởng phải bỏ nghề, ra ngoài quốc lộ bán bắp, bán khoai mì cho xe đường dài vì đi lại vất vả quá, có chiều dạy học về mưa lớn, phải ngủ lại ở trường vì nước về tràn qua đường. Nửa đêm rắn, rít bò vào điểm trường qua vách ngắn mỏng của mấy tấm liếp nên sợ quá, lại phải chạy vào nhà dân ngủ nhờ. Thế rồi không hiểu sao, có lẽ là do tụi nhỏ quấn quýt quá, bỏ đi không đành nên đến giờ vẫn trụ lại ở đây”. Nhưng những gì mà cô Trúc gặp không phải là duy nhất vì hầu hết các giáo viên điểm lẻ làng Mông đều từng trải qua những gì tương tự. Sau đó ít năm, con đường nhựa bê tông từ trung tâm xã hoàn thành, kéo ngắn khoảng cách của điểm trường, của người dân với các nơi khác khiến mọi thứ đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, con đường khác từ phía Bờ Lao Xê Rê ở phía chân đèo Bảo Lộc chạy về vùng núi Chúa này cũng được cải tạo, làm cho cuộc sống của đồng bào nơi đây trở lên khấm khá hơn đồng thời làm cho vùng núi rừng này không còn bị cắt vụn như xưa nữa.

Tô thêm những màu xanh

Dẫn tôi vào một lớp học với khoảng hơn 20 học sinh đang ngồi đọc bài, cô Lý Thị Mỵ, người đầu tiên đứng ra xin thành lập điểm trường này cười bảo: Bây giờ được như vậy là có công rất lớn của già làng, người đã không quản ngại vất vả động viên, khích lệ những gia đình có con đi học, suốt bao nhiêu năm qua. Theo cô Mỵ, do đây là vùng đất mới nên có đặc trưng là cứ khi có một cặp đôi nam nữ lấy nhau, ra ở riêng là họ lại tìm sang một quả đồi, một khoảng đất khác để dựng nhà, làm nương rẫy. Dần dần, cứ khoảng dăm năm, những cụm dân cư mới lại mọc ra, những đứa trẻ ra đời sau thường ở xa điểm trường hơn. Vì thế, nếu không động viên, khích lệ thì rất nhiều em phải bỏ học vì khoảng cách địa lý xa xôi.

Những năm tháng khó khăn dường như đã lùi xa với những thầy cô giáo gắn bó ở vùng núi Chúa rộng lớn này bởi ngày nay, những thế hệ trò đầu tiên ở đây đã bắt đầu trưởng thành, đi làm. Thậm chí như em Lý Thị Khá còn học Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ra trường và về dạy chữ ở trường Lộc Thành của xã. Đó chính là những trái ngọt mà sau mấy chục năm gây trường, mở lớp các thế hệ thầy cô giáo, già làng tâm huyết của mảnh đất này gặt hái được.

Đi học nơi cuối dãy Trường Sơn - 2

Thế nhưng, có lẽ cái mảnh đất rừng hoang vu này quanh năm không bao giờ hết khốn khó vậy. Nếu như đường sá, lớp học đến nay đều đã hình thành thì những gia đình mới lại phải sang quả đồi kế bên để vỡ đất, để làm nương rãy, để nhân lên những màu xanh tươi tốt của trà, của cà phê… giữa bạt ngàn màu xanh này. Có lẽ chính vì thế mà nhiệm vụ dạy chữ, dạy làm người của các thầy cô giáo ở vùng đất này cứ mãi mãi đuổi theo sự gia tăng của các thế hệ học sinh. Nói như lời cô Mỵ thì đó chính là việc mọi người đang ngày đêm tô thêm những màu xanh của núi rừng, của con chữ, của tương lai thế hệ các học sinh. Có thể, ít năm nữa thôi, một điểm trường khác xa hơn điểm trường làng Mông này sẽ được mở, như một con đường nối dài mãi ở vùng đất này vậy.

Ngày nay, với khoảng 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, điểm trường làng Mông này vẫn được coi là điểm trường xa xôi nhất ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Nó xa xôi các em nhỏ hết cấp 1 vẫn tiếp tục ở lại học cấp 2 vì đường đến điểm trường chính quá khó khăn đối với học sinh. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến tình cảm của người dân, đồng bào nơi đây với các thầy cô giáo ngày càng thắm thiết bởi ai cũng hiểu, tất cả những gì gian nan nhất, họ, lớp lớp các thế hệ người đi dạy chữ ở đây đều nhận về mình chỉ với một mong ước giản đơn, tất cả các học sinh nơi này không phải bỏ học mà thôi.

ĐOÀN XÁ