Ký ức về nhà ngoại giao Xuân Thủy
Tôi được gặp anh Xuân Thủy sau Cách mạng tháng Tám 1945 khoảng nửa năm và hầu như liên tục công tác gần anh cho tới lúc anh qua đời, ngày 18/6/1985. Trong quãng 40 năm đó, tôi được anh coi như một đứa em nhỏ (anh hơn tôi mười tuổi) và dìu dắt tôi trên các lĩnh vực công tác báo chí, mặt trận và ngoại giao.
Bộ trưởng Xuân Thủy, thứ hai từ trái (hàng ngồi) chứng kiến
lễ ký Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1973.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, thù trong giặc ngoài câu kết với nhau, đe dọa nền độc lập vừa giành lại được và chính quyền nhân dân đang còn trứng nước. Trước khi quân Tàu Tưởng vào miền Bắc nước ta để thay mặt Đồng minh tước vũ khí của quân Nhật, đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa đại diện Việt Minh và những người của hai tổ chức Việt Quốc và Việt Cách, tự nhận là theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng thực chất chỉ là tay sai của bọn Tưởng, về nước nhăm nhe gây rối, lật đổ chính quyền cách mạng.
Anh Xuân Thủy được Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh phân công cùng các anh Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu gặp họ tại ngay trụ sở báo Cứu Quốc ở bên cạnh Hồ Gươm (nay là trụ sở báo Hà Nội Mới). Anh đã được đi cùng Bác Hồ tham gia nhiều cuộc điều đình, thương lượng với các tướng lĩnh quân Tưởng, như Tiêu Văn, Lư Hán, Hà Ứng Khâm, nhằm ngăn chặn sự chống phá của các nhóm phản động Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh…
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngay trong những năm đầu, ta tiến hành các hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước. Sau chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950, ta phá vỡ vòng vây của địch, thì việc giao lưu với thế giới bên ngoài càng mở rộng. Các hội hữu nghị với các nước anh em bầu bạn được thành lập.
Công tác ngoại giao nhân dân ra đời và đã hỗ trợ rất hiệu quả với công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Anh Xuân Thủy được phân công phụ trách mảng việc mới mẻ này. Trong suốt hai cuộc kháng chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, anh đã có những đóng góp lớn vào việc hình thành và phát triển mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Năm 1963, anh được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đúng vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, đối đầu với “chiến tranh đặc biệt’ của đế quốc Mỹ. Ngoại giao miền Bắc đã phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không ngừng củng cố và mở rộng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Năm 1965, do tình hình sức khỏe, anh Xuân Thủy đề nghị với Bác Hồ và Bộ Chính trị cho rút khỏi chức Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng đến năm 1968, Bác và Trung ương lại bổ sung anh Xuân Thủy vào Ban Bí thư và phân công anh làm Bộ trưởng – Trưởng đoàn đàm phán với Mỹ ở Paris. Anh Lê Đức Thọ đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử đi Paris làm cố vấn đặc biệt. Về công tác Đảng, có một đảng ủy. Bí thư: Lê Đức Thọ, Phó Bí thư: Xuân Thủy. Các đảng viên: Nguyễn Minh Vỹ, Hà Văn Lâu, Nguyễn Thành Lê.
Khi cuộc đàm phán Paris bước sang giai đoạn hai, với sự tham gia của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, thì đảng ủy được mở rộng, có thêm các vị trong đoàn Mặt trận do anh Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, khi chuyển thành đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời thì chị Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn.
Bộ trưởng Xuân Thủy, thứ hai từ trái sang trong vòng vây
của báo chí nước ngoài trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris.
Tôi nhớ một buổi sáng khi hai Đoàn rút kinh nghiệm như thường lệ, anh Xuân Thủy giữ tôi lại ăn cơm với anh, để nói chuyện kỹ hơn. Anh nói về công việc của hai Đoàn, “tuy như một nhưng mỗi đoàn có đặc điểm riêng”; về đức tính thẳng thắn, cởi mở của các anh chị miền Nam, và dặn tôi cần chủ động công tác nhưng lại phải hết sức chú ý khiêm tốn, chan hòa, gắn bó với mọi người.
Bữa cơm ấy trở thành một buổi huấn luyện nghiệp vụ rất bổ ích và kịp thời. Đã từng làm việc gần anh Xuân Thủy qua nhiều năm, tôi ít nhiều đã thuộc được tính anh, rất chu đáo, cặn kẽ và rất tình cảm. Những lời căn dặn của anh, tôi luôn ghi nhớ và cố gắng thực hiện.
Đàm phán Paris có những cuộc họp công khai tại Kléber và những cuộc họp riêng (bí mật) giữa các đại diện cấp cao của hai bên Việt Nam và Mỹ. Cuộc gặp riêng đầu tiên trong giai đoạn “bốn bên” là cuộc gặp của đồng chí Xuân Thủy với Kissinger ngày 4-8-1969 tại nhà riêng của ông Sainteny, số 204 phố Rivoli, Paris.
Từ lần gặp riêng thứ hai với Kissinger, ngày 21/2/1970 phía ta có anh Lê Đức Thọ chủ trì và anh Xuân Thủy. Cũng từ đây, anh Lê Đức Thọ chủ trì các cuộc gặp riêng với Kissinger, còn những lúc anh Lê Đức Thọ vắng mặt tại Paris thì anh Xuân Thủy trực tiếp đảm nhiệm.
Với sự chỉ đạo của Đảng ủy do các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đứng đầu, hai Đoàn ta ở Paris giữ được nếp sinh hoạt rất đúng mực, nội bộ đoàn kết, giữ vững đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung. Hai đoàn đã phát huy tinh thần dân chủ, tập thể, liên lạc với trong nước nhanh; có nhiều sáng kiến, chủ động, biết tấn công địch, lúc cứng rắn, lúc mềm mỏng, nắm vững nguyên tắc, vận dụng khéo léo sách lược.
Từ giữ tháng 7/1972, cuộc đàm phán Paris đi vào giai đoạn thực chất. Bộ Chính trị đề ra những phương hướng lớn của giải pháp nhằm đạt bốn mục tiêu: Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam; Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân, chấm dứt dính líu quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ thừa nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát: Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh dưới hình thức đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc.
Bộ trưởng Xuân Thủy thứ hai từ phải sang tại Hội nghị Paris 1972-1973.
Sau 3 tháng thăm dò, mặc cả và đấu tranh quyết liệt trên bàn đàm phán, anh Xuân Thủy đã gửi Bộ Chính trị báo cáo về Hiệp định Paris, với những suy nghĩ mang tính chiến lược.
Anh Xuân Thủy nhận định: Chủ trương của ta tranh thủ khả năng hòa bình càng sớm càng tốt là đúng đắn để chuyển hướng đấu tranh chủ yếu sang địa hạt chính trị, củng cố lực lượng để tiếp tục tiến lên; nhưng đồng thời ta vẫn phải chuẩn bị đánh lâu dài hơn nữa nếu Mỹ không chịu giải quyết hòa bình.
Trước mắt vẫn có hai khả năng, hoặc là Mỹ chịu gặp lại với điều kiện của ta và đi đến ký kết, hoặc là chiến tranh cứ tiếp tục, cũng có thể nối lại đàm phán vẫn không giải quyết được rồi lại tiếp tục chiến tranh. Ta cố tranh thủ khả năng thứ nhất, giải quyết hòa bình là tốt nhất.
Căn cứ nhận định trên, anh Xuân Thủy đã nêu ra một số vấn đề mấu chốt liên quan đến văn bản hiệp định, các bên tham gia ký kết và một số điều kiện khác.
Bị thất bại nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, trở lại bàn đàm phán với cuộc gặp riêng cuối cùng giữa các anh Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với Kissinger bắt đầu từ ngày 8 -13 tháng 1- 1973. Kết quả là Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết ngày 27- 1-1973, tạo điều kiện để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời Bác dặn trước lúc đi xa: “Đánh cho Mỹ cút” để tiếp đó “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Tối 3/2/1973, kiều bào ta ở Pháp tổ chức Tết Quý Sửu, mừng Xuân, mừng Đảng, mừng thắng lợi to lớn vừa giành được độc lập. Giữa bà con Việt kiều với anh chị em hai Đoàn đàm phán vừa phấn khởi mừng vui lại vừa bịn rịn lưu luyến, anh Xuân Thủy đọc mấy câu thơ vừa sáng tác:
Xuân Bảy ba đậm đà thắng lợi
Xuân bay lên phơi phới trời xanh
Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh!
Chào chiến sĩ! Chào nhân dân! Chào tình bốn biển!
Hăm bảy tháng Giêng, ngày mừng chữ ký
Giữa Paris lộng lẫy sắc cờ ta
Những kiều bào khuôn mặt nở đầy hoa
Khắp bạn bè hướng về ta hớn hở.
Anh Xuân Thủy không đặt bút ký vào bản Hiệp định, nhưng lịch sử sẽ mãi ghi những nét son tên tuổi và hình ảnh của nhà ngoại giao tài ba và đức độ ấy, người đã từng đem hết tâm huyết và tài năng của mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam suốt từ lúc đầu cho đến khi toàn thắng (1968 -1973).