Doanh nghiệp nông nghiệp cần gì?
Với một quốc gia ở gần ta như Thái Lan, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn với nhiều hỗ trợ mạnh mẽ.
Cần kết hợp hài hòa kinh nghiệm truyền thống với công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Ảnh: Hoàng Long
Chỉ còn ít tháng nữa chúng ta sẽ chính thức bước vào Cộng đồng chung ASEAN, cùng trong bối cảnh các FTA với các đối tác thương mại lớn sẽ có hiệu lực. Điều này hẳn nhiên đặt kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa của những cơ hội mới và đan xen vào đó là những thách thức cũng không hề nhỏ. Với một nước nông nghiêp và có tới 2/3 dân số sống ở nông thôn, nên dù trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chúng ta vẫn cần chú trọng phát triển nông nghiệp - ngành mũi nhọn hay là ngành có tính chất “bệ đỡ” cho nền kinh tế như nhiều chuyên gia đã từng chia sẻ.
Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập ấy, nông nghiệp cũng phải vươn lên để theo kịp với xu thế phát triển chung. Đó chính là lý do để Đảng, Nhà nước đưa ra chủ trương công nghiệp hóa- hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn.
Cụm từ CNH-HĐH đã được nhắc đến nhiều nhưng trong bối cảnh của Việt Nam và cũng nhận được nhiều sự đồng thuận về đường hướng phát triển tương lai của nông nghiệp nước nhà. Và, những yêu cầu cơ bản của quá trình ấy, theo PGS.TS Vũ Văn Phúc (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương) thì chính là gắn việc phát triển lực lượng sản xuất với củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn và công việc này cần đặt trong một tổng thể chung của chiến lược CNH-HĐH nền kinh tế quốc dân, có định hướng XHCN.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh yếu tố cần kết hợp hài hòa kinh nghiệm truyền thống với công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Quan điểm ấy là rất chính xác nhưng để có công nghệ, kỹ thuật hiện đại, rõ ràng, tiềm lực của người nông dân là chưa đủ mà cần sự vào cuộc của nhà doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nhìn lại 30 năm của chặng đường Đổi mới và chính sách HĐH nông nghiệp, nông thôn, có thể thấy, tốc độ gia tăng các DN nông nghiệp nông thôn vẫn chưa tương xứng với chủ trương đặt ra.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, sau Đổi mới, DN tư nhân- vốn là thành phần bị kì thị so với trước Đổi mới - đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ, nhờ sự ra đời của Luật Công ty và Luật DN (năm 1990); tuy nhiên DN tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngược lại, lại tăng rất chậm. Năm 2012, số DN nông, lâm, thủy sản là 3.875, chỉ chiếm 1,13% tổng số DN cả nước và thu hút khoảng 61 ngàn lao động.
Phần lớn DN tư nhân trong nông nghiệp, nông thôn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Vốn trung bình của một DN loại này chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng (năm 2002), tăng lên 7 tỷ đồng (năm 2007) và đạt 15 tỷ đồng (năm 2011). Đáng lưu ý, số DN có số vốn khiêm tốn tứ 1-5 tỷ đồng vẫn chiếm trên 37%.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN loại này thấp, số thua lỗ có xu hướng tăng với con số thống kê lần lượt là 1,4%, 18,86% và 36,07% vào các năm 2002, 2011 và 2012.
Trong số các DN nông nghiệp làm ăn có lãi, có lẽ số điển hình nổi bật không nhiều, chỉ một số ít tên tuổi tạo được dấu ấn trên thị trường trong nước và quốc tế như TH TrueMilk, Bảo vệ thực vật An Giang, Cà phê Trung Nguyên.
Có thể nhận thấy qua một vài con số nêu trên, sự kết nối với thị trường của các DN tư nhân trong nông nghiệp còn kém. Phần lớn các DN thu mua nông sản của nông dân thông qua hệ thống các đại lý hay thương lái, ít mô hình liên kết trực tiếp với nông dân. Có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra nhưng đầu tư về nông thôn vẫn giảm dần, tỉ lệ DN giảm cả về đầu tư trong nước và nước ngoài.Rõ ràng điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực sự thuận lợi cho hình thức kinh tế quan trọng này. Vì thế, 4-5 triệu hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp vẫn tránh đăng ký thành DN tư nhân.
Con số DN nông nghiệp thuộc sự quản lý của Nhà nước thì trái lại “nở rộ” với 14 tổng công ty và 31 DN độc lập (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) với tổng số 292DN hạch toán độc lập trong đó có 31 DN công ích và 261 DN kinh doanh. Sau nhiều năm đổi mới và sắp xếp lại, có một số DN nhà nước làm ăn có lãi; tuy nhiên, nhiều DN lại tỏ ra yếu kém về năng lực cạnh tranh (nguồn Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).
Vấn đề đặt ra và đồng thời là câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế đi tìm lời giải đáp là: Vì sao đã có chính sách nhưng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa xứng tầm. Có thể nói, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ bỏ các nút thắt trong sản xuất nông nghiệp nhưng dường như việc thực hiện chưa thật sự xứng tầm.
Và, cho đến hôm nay, những giải pháp về kết nối thị trường trong đó có hỗ trợ nghiên cứu các mặt hàng nông sản, nông nghiệp thế mạnh của ta mà thế giới cần; rồi hỗ trợ đầu tư phát triển các tổ chức dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng từ khâu sau thu hoạch đến khâu xúc tiến thương mại… Rồi về thể chế, chính sách (bao gồm chính sách thủy lợi, thương mại, tài chính…), khoa học - công nghệ, nhân lực đều cần có sự đột phá nhất định.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đặt vấn đề: Phải chăng đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm? Vị trí của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới đã đặt đúng hay chưa? Bất cập nào khiến quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn chưa được như mong muốn?
Hàng loạt vấn đề khiến các nhà quản lý phải đau đầu khi đi tìm lời giải cho bài toán CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; nhất là khi phải đối mặt với thực tế, lợi nhuận mang lại từ ngành mũi nhọn chưa đạt kỳ vọng vì thế nó còn kém hấp dẫn các DN tư nhân và Nhà nước.
Với một quốc gia ở gần ta như Thái Lan, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn với nhiều hỗ trợ mạnh mẽ. Ở ta, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến tiến trình này nhưng đến nay, cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại để xem xét cái gì còn phù hợp, cái gì không và DN nông nghiệp, nông thôn còn thiếu những gì để điều chỉnh cho phù hợp.