Cách mạng Tháng Tám trong ký ức của người Can Lộc, Hà Tĩnh
15h ngày 16/8/1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đồn huyện Can Lộc - nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Hà Tĩnh trong Cách mạng tháng Tám. Những ký ức vẹn nguyên trong trí nhớ của cụ ông 100 tuổi đã nói lên khí thế hào hùng thời ấy, khi mà “dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay”.
Những người tham gia giành chính quyền ngày 16-8-1945 tại Can Lộc, Hà Tĩnh.
Dù đã bước sang tuổi trăm nhưng khi nhắc đến việc cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, đôi mắt cụ Ngô Đức Mạch (khối phố 1B, thị trấn Nghèn, Can Lộc - Hà Tĩnh) như tinh anh hơn, cụ hào hứng kể về những ngày lịch sử ấy…
Từ ký ức của cụ Mạch, những trang sử hào hùng của Can Lộc trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân được dựng lên, hào hùng như chính ngày ấy.
Cụ cho biết: “Tôi bắt đầu đi bộ đội vào tháng 2-1945, lúc đó tôi tham gia Mặt trận Việt Minh, hoạt động bí mật. Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là liên lạc với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, các tổng ủy, có lệnh của trên là đi, lúc đó đi bộ, đi tối ngày. Mặt khác tôi phải vận động, tổ chức thành lập các tổ chức Việt Minh như nông dân, tự vệ, thanh niên cứu quốc nhưng đặc biệt là củng cố lực lượng tự vệ. Đến tháng 8/1945 thì lực lượng Việt Minh ở Can Lộc đã khá mạnh”.
Theo cụ Mạch, từ tối 14/8, tự vệ 4 xã đã có lệnh tập trung, bao vây các ngả đường. Lực lượng thanh niên cũng tuyên truyền các chính sách của cách mạng tại đồn bảo an và huyện đường. Không khí cách mạng sục sôi trong từng làng, tổng, nhất là trong tầng lớp thanh niên.
Trong khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì cũng ngày đó, ở Can Lộc, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện mở hội nghị cán bộ toàn huyện tại Ốc Khê để truyền đạt chủ trương, bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Ủy ban khởi nghĩa huyện được thành lập do đồng chí Lê Hồng Cơ đứng đầu.
Chiều 16-8, gần 20 thanh niên trong tổ chức Thanh niên cứu quốc đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc tri huyện Đặng Doãn nộp ấn tín, sổ sách và tuân thủ vô điều kiện các yêu cầu do thanh niên nêu ra. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới bay trên huyện đường Can Lộc mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Sau đó, số thanh niên này lại kéo lên đồn để tước vũ khí lính bảo an.
“Chiều hôm đó, tri huyện bị bắt trói ở đồn, khi tôi vào thăm thì thấy ông ấy chắp tay cầu xin đừng giết. Tôi chỉ bố trí cho ông ấy ăn uống chứ không làm gì” - cụ Mạch nhớ lại.
Ngay trong đêm 16/8, Ủy ban khởi nghĩa Can Lộc đã họp khẩn cấp tại nhà đồng chí Trần Đóa (thôn Yên Vinh, xã Trảo Nha), quyết định huy động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang tại huyện lỵ vào sáng 17-8 để tuyên bố thành lập Chính quyền cách mạng huyện và ban bố lệnh khởi nghĩa trong toàn huyện.
Dù đã bước vào tuổi 100 nhưng ngày cướp chính quyền
vẫn vẹn nguyên trong ký ức cụ Ngô Đức Mạch.
Cụ Mạch phấn khởi kể: “Lúc đó dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay, họ đến đông kín cả sân vận động huyện để dự míttinh, khí thế vô cùng hào hứng, phấn khởi. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền bù nhìn đã bị đánh đổ, chính quyền cách mạng đã được thành lập và lệnh cho các tổng, xã, làng trong huyện nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Mọi người ai nấy phấn khởi giương cao ngọn cờ tiến bước về các làng, xã tịch thu triện bạ của chánh tổng, lý trưởng và thành lập chính quyền mới”.
Can Lộc đã giành được chính quyền đầu tiên ở Hà Tĩnh mà không mất một viên đạn nào, ngay sau đó, tất cả các huyện cũng đều Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và Hà Tĩnh là một trong 3 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Thành công của Can Lộc trở thành một mốc son trong lịch sử huyện nhà, góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng Pháp, đuổi Nhật, xây dựng chính quyền của Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung.
“Can Lộc luôn đi đầu trong mọi phong trào, nổi bật nhất là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám… Lịch sử đã để lại những chiến tích hào hùng như Ngã ba Đồng Lộc, làng K130…
Và hôm nay, với việc đi đầu trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới… tất cả đã chứng tỏ Can Lộc là quê hương giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất, sáng tạo. Truyền thống ấy sẽ được Đảng bộ, chính quyền huyện tiếp tục gìn giữ và phát huy, xây dựng huyện ngày một phát triển mạnh mẽ hơn” - ông Võ Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy huyện Can Lộc khẳng định.