Bóng ma khủng hoảng tài chính trở lại châu Á

Linh Chi 21/08/2015 09:55

18 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm khắp khu vực châu Á khiến chính phủ nhiều nước loay hoay tìm đường khắc phục, hàng loạt công ty lớn nhỏ phá sản và gây nên sự tàn phá khủng khiếp đối với nền kinh tế; Bóng ma của cuộc khủng hoảng đã trở lại khi các đồng tiền trong khu vực chịu nhiều sức ép.

Nền kinh tế Malaysia và Indonesia được coi là dễ bị tổn thương nhất (nguồn: Internet).

2 quốc gia "có vấn đề" nhất

Malaysia và Indonesia dường như là hai quốc gia đang có nhiều vấn đề kinh tế nhất hiện nay. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, đồng Ringgit của Malaysia đã mất gần ¼ giá trị so với đồng USD. Còn đồng Rupiah của Indonesia thì giảm 15% so với đồng USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai đồng tiền này giờ đang chạm đến mức giá trị thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, trong khi đà giảm của chúng còn chưa có dấu hiệu chững lại.

Đó là còn chưa kể đến ảnh hưởng sau khi chính quyền Bắc Kinh quyết định phá giá đồng nội tệ hồi tuần trước, một động thái mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho là để thúc đẩy ngành xuất khẩu của họ. Nếu quan điểm này cũng được chính phủ các nước trong khu vực áp dụng, thì có thể sẽ nảy sinh cái mà giới chuyên gia gọi là “cuộc chiến tiền tệ”, càng khiến cho các đồng tiền như Rupiah, Ringgit, hay một số đồng tiền dễ bị ảnh hưởng khác suy giảm mạnh hơn.

Trong khi giới đầu tư đang quan sát tình hình trong căng thẳng, họ vẫn chưa hoàn toàn hoảng loạn. Đó là bởi đa phần các nước châu Á hiện tại đều có nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn, có thể được đem ra sử dụng để bảo vệ đồng nội tệ của mình. Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 1997, chính phủ các nước đã bắt đầu đưa ra nhiều quy định và nhờ đó mà mức nợ công đã giảm dần.

Ông Daniel Martin, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Capital Economics, nhận định về trường hợp của Malaysia, vốn có khoản nợ cao theo đồng USD, thì vấn đề đồng nội của họ suy yếu “sẽ không gây rủi ro gì cho bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực”.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là vấn đề về đồng tiền của các nước ở khu vực châu Á. Nền kinh tế Trung Quốc – vốn tạo nên một lượng lớn nhu cầu trong khu vực châu Á – đã có dấu hiệu suy giảm trong những tháng gần đây. Nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc và cả nước ta, có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Rất nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy trong khu vực châu Á hiện nay dựa chủ yếu vào hàng hóa để tăng trưởng. Nhưng giá dầu mỏ, đồng và một số mặt hàng khác đã bắt đầu giảm kể từ hồi năm ngoái.

Đơn cử như Malaysia, vốn là một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá dầu giảm. Dự trữ dầu thô tăng đột biến trong tuần trước khiến giá dầu thô WTI giao tháng 9/2015 giảm 4,7% xuống còn 40,6 USD/thùng - mức thấp nhất trong 6 năm qua. So với mức đỉnh đạt được vào tháng 6/2015, giá dầu thô WTI đã giảm 30%.

Các nhà phân tích chỉ ra tình trạng thừa cung trên toàn cầu và mức tồn kho cao là yếu tố chính dẫn đến xu hướng giảm của giá dầu. Ước tính, nguồn cung dầu trên toàn cầu dư thừa trung bình từ 500.000-3 triệu thùng/ngày. Indonesia, quốc gia nổi tiếng với xuất khẩu than đá, dầu cọ và cao su, cũng chịu chung số phận.

Mỹ có thể tăng tỷ lệ lãi xuất trong tháng 9

Rất nhiều chuyên gia kinh tế cũng tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sắp sửa tăng tỷ lệ lãi suất vào khoảng giữa tháng 9 tới, đánh dấu mức tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay.

Tuyên bố của FED đưa ra trong bối cảnh ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt giảm cùng với đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu ngành năng lượng trong bối cảnh những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới ngày một tăng.

Nếu xảy ra, điều này sẽ khiến lãi suất vay mượn bằng đồng USD tăng đối với các công ty ở một số thị trường đang trỗi dậy. Trong quá khứ, đô la Mỹ tăng cao từng khiến luồng vốn tại các thị trường mới nổi chảy ra ngoài và tiền tệ tại các nước này mất giá.

Mặc dù hiện nay, về cơ bản, các thị trường mới nổi không có dấu hiệu của sự căng thẳng nhưng mức nợ cao của các nước này, đặc biệt là tỷ lệ nợ bằng đô la Mỹ cao, có thể gây ra rắc rối nghiêm trọng khi đồng đôla Mỹ tăng giá.

Giới chức ở Indonesia và Malaysia, trong khoảng thời gian cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây 18 năm, đã kiểm soát được tốt nền kinh tế dù chịu áp lực ghê gớm. Đó là nhờ cơ chế bảo hộ và sự ổn định về mặt chính trị của hai quốc gia này lúc bấy giờ. Nhưng hiện tại thì khác, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang vướng phải một vụ bê bối tham nhũng trong những tháng qua. Trong khi người đồng cấp Indonesia của ông, Joko Widodo, vẫn chưa thực hiện các bước cải cách nền kinh tế nước nhà.

Linh Chi