Thép 'nội' yếu thế cạnh tranh
Mở cửa thị trường, tham gia toàn cầu hóa, nhiều ngành kinh tế có lợi, song không ít ngành, lĩnh vực thấy ngay bất lợi vì phải đối diện với cạnh tranh khốc liệt. Một trong những ngành đối diện với nhiều khó khăn nhất khi bước sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế phải kể đến ngành thép.
Nguồn:tinnhanhchungkhoan.vn
Khó cạnh tranh
Nga là quốc gia được biết đến với những nhà máy thép khổng lồ công suất hàng tỷ tấn/ năm. Bởi vậy, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (với 5 nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) dù mở ra nhiều cơ hội lớn cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, song đối với ngành thép, đây là ngành khó khăn nhất. Theo giới chuyên gia, các DN Việt đang ở thế yếu hơn hẳn so với Nga - nước từ lâu đã được mệnh danh là “người khổng lồ” của ngành thép.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA),các nước ở khối Liên minh Á - Âu có nguồn lực thép rất lớn. Riêng với Nga, đây là “thủ phủ” của sản phẩm thép, là quốc gia nổi tiếng có nền công nghiệp thép phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất thế giới.
“Hội nhập kinh tế quốc tế, thuận lợi của ta là được nhập các sản phẩm, nguyên liệu thép giá hợp lý, chất lượng tốt song, với các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, tôn mạ... sẽ khó cạnh tranh với các nước trong Liên minh” – ông Sưa nhận định.
Từ trước đến nay, ngành thép vốn cũng đã rất chật vật khi phải chống chọi với thép từ nước láng giềng Trung Quốc. Con số thống kê của VSA cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập tới 2,3 triệu tấn thép Trung Quốc với trị giá lên tới hơn 1,2 tỉ USD. Con số này tăng gần 80% về lượng và 45% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Điều đáng nói, bằng nhiều chiêu trò, thép Trung Quốc khi vào Việt Nam còn “né” được thuế nên giá bao giờ cũng rẻ, lấn át giá thép nội địa.
Bài toán đối với thép nhập khẩu Trung Quốc còn đang nan giải, nay lại tiếp tục phải đối đầu với “người khổng lồ” Nga khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực.
Nhiều DN thép bày tỏ lo ngại, cạnh tranh với cường quốc xuất khẩu thép là một áp lực rất lớn đối với họ. Hiện nay, hầu hết các DN ngành thép chỉ có các nhà máy với công suất vài trăm tấn/ năm. Với quy mô sản xuất nhỏ như vậy, khi thép từ Liên minh Á – Âu tràn vào, các DN thép trong nước sẽ rất khó “chống đỡ”.
DN phải tự vươn lên
Theo ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), hội nhập là xu hướng tất yếu, các DN thép Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tự vươn lên bằng chính những nỗ lực của bản thân, phải tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng quản trị… để có thể đưa ra được những sản phẩm thực sự cạnh tranh, vì mở cửa là mọi hàng rào phải xóa bỏ.
Phó Chủ tịch VSA - Nguyễn Văn Sưa cũng đưa ra khuyến cáo, hội nhập là chúng ta buộc phải cạnh tranh rất khốc liệt vì khi đó hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Các DN phải tự cố gắng hết mình để nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo ông Sưa, tính cạnh tranh được đánh giá ở rất nhiều chỉ tiêu: Chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, giá cả, khả năng cung ứng…
Do đó, để có thể cạnh tranh được với “người khổng lồ” Nga, DN thép phải đổi mới trong phương thức sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để có những sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý. Thực tế hiện nay, hầu hết các DN thép của Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ, công suất thấp khó lòng cạnh tranh được với một cường quốc sản xuất thép với công suất hàng tỷ tấn như Nga. Bởi vậy, ông Sưa cho rằng , thời gian tới, ngành thép nên xây dựng các DN quy mô lớn, công suất ít nhất từ 4,5 triệu tấn trở lên, với nguồn nhân lực giàu mạnh, mới có thể cạnh tranh được khi hội nhập.
Liên quan đến những vấn đề của ngành thép khi hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, khi đã mở cửa, tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam phải chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường. Những biện pháp của Chính phủ, cơ quan quản lý nhằm có thể hỗ trợ tối đa cho DN cũng chỉ là có tính thời điểm. Do đó, các DN thép phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản phẩm của các nền kinh tế khác. Và như vậy, các DN phải luôn nỗ lực trong việc nâng cao khả năng quản lý đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.