Xã hội hóa ngành đường sắt: Tín hiệu ban đầu
Dự án nâng cấp nhà ga Yên Viên với tổng vốn 122,5 tỷ đồng là 1 trong 17 dự án xã hội hóa ngành đường sắt đã có chủ nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, muốn thu hút thêm đầu tư cho đường sắt vốn đã lạc hậu cũ kỹ phải cần thêm những chính sách khuyến khích, nhất là khi đây là lĩnh vực đầu tư nhiều, thu hồi vốn chậm.
Ga Yên Viên (Ảnh: TL)
Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tới nay, đã có 17 công trình, dự án đường sắt được Bộ GTVT thông qua để kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác.
Cụ thể đó là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Khai thác kho bãi nhà ga Yên Viên, xây dựng khu ga khách Nha Trang mới và kho, bãi hàng ga Vĩnh Trung, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà ga, kho, bãi của 6 ga: Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Lào Cai, Đồng Đăng, Khu nhà ga hàng Cái Lân và bãi cảng Cái Lân, Xuân Giao A, nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM các đoạn: Hà Nội - Vinh, Vinh - Đồng Hới, Đồng Hới - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang, Nha Trang – TP HCM.
Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình của tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Đông Anh - Quán Triều, Bắc Hồng - Văn Điển, Kép - Lưu Xá; Cầu Giát - Nghĩa Đàn, Diêu Trì - Quy Nhơn. Xây dựng mới các tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành - Vũng Tàu. Di dời ga Đà Nẵng; Xây dựng đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...
Ông Vũ Tá Tùng- Tổng giám đốc VNR cho biết, các dụ án trên nằm trong quy hoạch của Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” được Bộ GTVT phê duyệt. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt để cùng khai thác kinh doanh.
Đối với các dự án thuộc nhượng quyền khai thác tuyến, tùy mức độ chuyển nhượng, nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác trong thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì kết cấu hạ tầng. Riêng các dự án xây dựng đường sắt mới, ngành đường sắt sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc BOT. Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi vay và tỷ giá. Phần vốn Nhà nước sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng và các hạng mục liên quan đến chạy tàu.
Thực tế cho thấy, đang có nhiều nhà đầu tư ngoài ngành đang rất quan tâm tới các dự án đường sắt, lĩnh vực bộn tiền nếu hiện đại và bài bản.
Cụ thể như Tập đoàn Phát triển công cộng Ý-Thái (ITD) đang muốn tham gia đầu tư và khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT, đầu tư cảng cạn ở khu vực Gia Lâm để tăng hiệu quả khai thác của tuyến đường, hay khai thác tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái với tổng mức đầu tư 2,5 tỉ USD. T
rong nước, có Tập đoàn Vingroup đã đầu tư cải tạo và khai thác ga Hà Nội. Công ty CP đầu tư Đèo Cả muốn đầu tư các dự án nhượng quyền khai thác đường sắt của tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hoặc Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Mới đây nhất là Công ty Cổ phần Giao nhận và vận chuyển IndoTran (ITL) đã đề xuất thuê lại toàn bộ diện tích khu vực kho hàng ga Yên Viên khoảng 18.984 m2, đầu tư toàn bộ các hạng mục để kinh doanh, khai thác đáp ứng năng lực xếp dỡ từ 1,2 - 1,8 triệu tấn mỗi năm. Tổng mức đầu tư của ITL là 122,5 tỷ đồng.
“Kết cấu hạ tầng đường sắt quyết định vận mệnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Điều quan trọng hiện nay đối với doanh nghiệp chính là cơ chế. Diện mạo đường sắt thay đổi, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và ngành” - ông Tùng cho biết.
Hiện nay, năng lực chạy tàu cũng như hiệu quả thông qua trên toàn tuyến đường sắt đều yếu, do cơ sở hạ tầng chưa phù hợp và công nghệ còn thiếu. Đơn cử như ga Yên Viên, là ga quốc tế, song vẫn cám cảnh chợ chiều.
Ông Trần Ngọc Thành- Chủ tịch VNR cho biết, để thay đổi, VNR để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, đã quyết định điều chuyển toàn bộ đoàn tàu container và xếp dỡ từ ga Giáp Bát về ga Yên Viên để giảm ùn tắc và tăng năng lực. Dự án thông qua, sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2030, toàn bộ khu ga Yên Viên sẽ thành khu đầu mối xếp dỡ hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, mục tiêu cuối cùng để tăng tần suất chạy tàu dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt thông qua, không chỉ ga Yên Viên mà nhân rộng trên toàn quốc. Đường sắt cũ kỹ đã lâu, và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như để thay đổi chất lượng ngành đường sắt. Dịch vụ đi đôi với chất lượng, xóa đi những chuyến tàu không khách, hướng tới một loại hình được nhân dân ưa chuộng.