Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Học viện Ngân hàng: Hãy để các trường tự coi thi, chấm thi

Huyền Trang (thực hiện) 22/08/2015 06:10

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: phương thức xét tuyển lần này chỉ có thể giảm thiểu được những trường hợp thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt thôi chứ không triệt để được…

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Học viện Ngân hàng: Hãy để các trường tự coi thi, chấm thi

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng.

Kỳ tuyển sinh nguyện vọng 1 vào ĐH, CĐ 2015 đã khép lại. Ngoài một số trường cập nhật điểm chuẩn sớm do chưa lấy hết chỉ tiêu trong đợt 1, đến ngày 25/8, tất cả các thí sinh (TS) sẽ biết chính xác kết quả của mình. Trò chuyện với Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng sau kỳ tuyển sinh NV 1 kết thúc, ông nói rằng: phương thức xét tuyển lần này chỉ có thể giảm thiểu được những trường hợp TS điểm cao nhưng vẫn trượt thôi chứ không triệt để được…

PV: Đã kết thúc thời gian nộp hồ sơ xét tuyển NV1, ông đánh giá thế nào về công tác xét tuyển trong 20 ngày qua?

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng: Đúng là về nguồn xét tuyển thì những trường có thương hiệu, những trường tốp trên khá thuận lợi. Khi TS biết kết quả rồi thì họ căn cứ vào những điểm chuẩn những năm trước họ nộp vào. Bằng chứng là Học viện Ngân hàng có chỉ tiêu 2.800, nhưng lượng TS nộp vào lên tới 4.000 – 5.000 nên dôi dư rất nhiều so với chỉ tiêu. Nhà trường có thể tuyển lựa được sinh viên có chất lượng. Tuy nhiên đối với các trường tốp dưới sẽ rất khó khăn. Theo tôi, sắp tới Bộ GD&ĐT cũng nên có điều chỉnh.

Thứ nhất về thời gian xét tuyển, Bộ để 20 ngày là quá dài. Thực tế những ngày đầu rất ít TS nộp hồ sơ, họ nghe ngóng tình hình, chỉ đến tuần cuối mới bắt đầu căng thẳng… Chúng ta không nên để tình trạng căng thẳng kéo dài không cần thiết. Nhưng rút ngắn quá thì các TS ở xa cũng rất khó khăn. Cho nên tôi nghĩ mức phù hợp là 2 tuần.

Vấn đề thứ hai: Thực tế qua đây mới thấy việc đi lại của TS, nhất là TS xa trung tâm rất vất vả. Năm nay Bộ có chủ trương giải pháp tình thế cho TS nộp, rút hồ sơ qua các Sở nhưng rất ít TS tin tưởng, họ vẫn về tận các trường. Họ ăn trực nằm chờ ở đây. Có người trực mất cả tuần, vì họ bảo phải qua ngày 20 mới có thể yên tâm được. Có người nghỉ việc, hay ở vùng sâu vùng xa mà không có người thân người quen thì thuê trọ rất tốn kém, vất vả. Giải quyết khâu đó tôi cho rằng phải tính đến chuyện phần mềm tuyển sinh có thể cho phép ĐKXT trực tuyến, xử lý qua mạng.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng đăng ký trực tuyến. Giải được bài toán đấy thì đỡ vất vả cho TS. Bởi vì với cách ĐKXT như hiện nay nói gì thì nói TS vẫn rất vất vả, căng thẳng. Qua ý kiến của TS, phụ huynh thì hầu hết họ đều chưa hài lòng với cách xét tuyển như thế này. Không ít phụ huynh bức xúc nói rằng thà cứ thi như mọi năm còn đỡ vất vả hơn… Phải thừa nhận một thực tế khách quan như thế.

Bộ GD&ĐT cho rằng, phương thức xét tuyển lần này sẽ tránh được những trường hợp TS điểm cao nhưng vẫn trượt. Tuy nhiên đến hôm nay có thể thấy, chắc chắn trường hợp đó sẽ vẫn xảy ra?

- Số đó chỉ có thể giảm thiểu được thôi chứ không triệt để được. Bởi vì sao? Bởi những TS điểm cao cỡ 24, 25 nhưng họ lại ĐKXT vào những trường có thương hiệu, vào những ngành cao. Ở những ngày cuối cùng thì vẫn sẽ có sự xáo trộn, vẫn di chuyển được nguyện vọng trường nọ trường kia. Có thể sáng 20/8 họ vẫn đỗ nhưng tới chiều hồ sơ lại nộp vào đông không trở tay kịp. Đó là lí do vẫn có thể có TS điểm cao mà vẫn trượt. Trượt như thế khi xét tuyển đợt 2 thì cơ hội thu hẹp rất lớn.

Nhiều người nói công tác xét tuyển năm nay như sàn chứng khoán. Tuy nhiên ngày khớp lệnh lại có độ trễ, TS không nắm bắt được thông tin. Nhiều trường ngày cuối cũng không thông báo thông tin nữa, vì cũng không có ý nghĩa… Ngày cuối biến động số nộp nhiều nhưng không cập nhật thông tin thì cũng không thể biết là mức điểm đỗ hay trượt. Các trường cũng phải chờ cả số TS nộp hồ sơ qua đường bưu điện gửi về…

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Học viện Ngân hàng: Hãy để các trường tự coi thi, chấm thi - 1

Thí sinh nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ trong đợt 1.

Cũng trong ngày xét tuyển cuối, chắc chắn ông cũng nhận ra, có rất nhiều TS khi đó chỉ cần đỗ thôi, không quan tâm đến mình sẽ được vào học ở ngành nào?

- Đó cũng là cái bất cập. Nó sẽ không đạt được mong muốn như mục tiêu chúng ta đề ra là định hướng nghề nghiệp từ sớm. Bởi vì định hướng làm sao để đạt được, nhất là học sinh giỏi, ngành người ta yêu thích thì người ta mới có động lực. Tóm lại là phải như thế thì khâu đào tạo mới có hiệu quả được. Người ta học miễn cưỡng sẽ khó có chất lượng thật sự.

Đầu tiên là như thế, mong muốn rất lí tưởng hóa trường nọ ngành nọ nhưng rồi đưa đẩy, nó tuột khỏi mục đích mong muốn của họ ban đầu. Thế rồi mệt mỏi căng thẳng quá nên người ta “tặc lưỡi”: cốt là đỗ để có chỗ học, bất kể ngành nào. Cũng có những ngành nghề đào đào ở các trường tốp dưới nhưng họ lại không thích không yên tâm về chất lượng đào tạo. Hoặc khi ra trường cầm tấm bằng đó họ không mong muốn… Cho nên họ vẫn chọn những trường có truyền thống, sở trường đào tạo chất lượng.

Về kỳ thi vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất rằng sang năm Bộ GD&ĐT vẫn cung cấp cho các trường đề thi, nhưng để cho các trường tự chủ hoàn toàn trong công tác coi thi, chấm thi, xét tuyển… Ý kiến của ông thì sao?

- Tôi ủng hộ quan điểm đó. Bây giờ các trường tự chủ tuyển sinh rồi nên cũng mong muốn như thế, nhưng Bộ chưa đáp ứng được. Bây giờ chỉ cần Bộ có ngân hàng đề thi, giải quyết đề, in sao đề, các trường hoàn toàn bỏ kinh phí ra để mua ngân hàng đề thi của Bộ. Điều khó khăn nhất của trường hiện tại là ra đề. Vì không phải trường nào cũng đủ nhân sự để ra đề tất cả các môn. Thứ hai là khâu an ninh, để đảm bảo an toàn rất khó khăn vất vả… Nhưng nếu Bộ đứng ra để các trường coi thi chấm thi, có trách nhiệm với đầu vào của họ thì sẽ chặt chẽ, yên tâm hơn.

Tôi băn khoăn nhất trong kỳ thi vừa rồi là chất lượng không đồng đều ở 38 cụm thi. Bởi cũng đang có ý kiến cho là khu vực 1 điểm rất cao, và trúng tuyển vào các trường tốp trên nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Điều đó cũng khiến người ta đặt ra vấn đề nghi ngại…

Trước đây vào 1 trường là do mình tổ chức thi đồng nhất, giờ 38 cụm thì đương nhiên khó có chất lượng đồng đều. Cho nên Bộ lo cho các trường khâu đề thi, còn việc coi thi chấm thi để các trường tổ chức là tốt nhất. Hoặc tương lai xa nữa thì tôi ủng hộ cách thi như ĐHQG Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Trang (thực hiện)