Thủ tướng từ chức: Hy Lạp sẽ bầu cử sớm

Khánh Duy 22/08/2015 09:05

Việc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố từ chức đã lập tức gây nên lục đục trong nội bộ Đảng cầm quyền Syriza của ông, khi một số nghị sỹ thuộc đảng này đòi tách ra khỏi đảng và thành lập một thực thể mới có tên “Đoàn kết Nhân dân”.

Thủ tướng từ chức: Hy Lạp sẽ bầu cử sớm

Ông Tsipras.

Nguồn: bbc

Tỏ ra tức giận trước hành động của ông Tsipras mà họ gọi là “phản bội” lại các nguyên tắc chống thắt lưng buộc bụng, 25 nghị sỹ thuộc Đảng cầm quyền Syriza hôm 21/8 đã tuyên bố ý định thành lập một đảng mới trong một bức thư trình lên Quốc hội nước này, chỉ một ngày sau khi ông Tsipras tuyên bố từ chức để dọn đường cho một bầu cử sớm tổ chức trong tháng tới.

Dẫn đầu bởi cựu Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, phong trào mới được cho là sẽ trở thành một nhóm lớn thứ ba trong Quốc hội Hy Lạp với 25 nghị sỹ và có thể được được cho phép chạy đua để hình thành một chính phủ mới.

Ông Tsipras trước đó tuyên bố từ chức trên kênh truyền hình quốc gia tối hôm 20-8. Ông nói rằng ông đã để lại phía sau một cam kết đầy tính nhân văn cho Hy Lạp để nước này có thể nhận được gói cứu trợ thứ ba, và cam kết thực hiện các biện pháp mà các chủ nợ yêu cầu, cho người dân nước này.

Hồi tuần trước, ông Tsipras đã nỗ lực hết mình để Quốc hội Hy Lạp thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ đạt được với các chủ nợ châu Âu, tuy nhiên đã gặp phải một làn sóng phản ứng mạnh mẽ khi có đến 1/3 số nghị sỹ của Đảng cầm quyền Syriza của ông phản đối trong khi số còn lại bỏ phiếu trắng. Bản thân ông Tsipras đánh cược rằng ông có thể vượt qua được những nghị sỹ bỏ phiếu chống bằng cách tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng đối với gói cứu trợ thứ ba này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ông Tsipras chỉ giành chiến thắng trong việc thúc đẩy gói cứu trợ trị giá 86 tỷ Euro này nhờ vào sự ủng hộ của các nghị sỹ thuộc các đảng đối lập trong Quốc hội, trong khi chính nội bộ Đảng của ông lại bác bỏ nó.

Cần phải nói rằng gói cứu trợ này đi kèm đề xuất cải cách hết sức ngặt nghèo của giới chủ nợ phương Tây, trong đó bao gồm hàng loạt lĩnh vực như y tế, phúc lợi xã hội, lương hưu và thuế. Ông Tsipras ra đi vào thời điểm trước khi các cuộc cải cách sâu rộng chưa từng có này bắt đầu có hiệu ứng tiêu cực đến đất nước Hy Lạp – như cắt giảm lương hưu nặng nề, tăng thuế VAT hay thuế thu nhập…

Việc ông Tsipras ra đi bước đầu đã để lại một lỗ hổng trong bộ máy cai trị Hy Lạp, trong khi gây nên tình trạng hỗn loạn trong Quốc hội nước này.

Ông Panagiotis Lafazanis, người trước đó đã bị Thủ tướng Tsipras đưa ra khỏi Chính phủ vì bỏ phiếu chống thỏa thuận cải cách đổi lấy cứu trợ, đã cùng với 13 nghị sĩ thuộc Đảng Người Hy Lạp Độc lập tuyên bố sẽ thành lập tổ chức chính trị mới và phát động phong trào phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới trên toàn quốc.

Trước đó, Đảng Xã hội chủ nghĩa toàn Hy Lạp thuộc phe đối lập cũng từng tuyên bố sẽ kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của ông Tsipras do đã ký kết với các chủ nợ một thỏa thuận “gây thiệt hại” cho đất nước. Hiện một bộ phận lãnh đạo Đảng Syriza đang hy vọng tiến hành cuộc họp của Đảng này vào cuối tháng 8, để thống nhất quan điểm liệu có đồng ý tổ chức bầu cử trước thời hạn hay không.

Tuy nhiên, do tổng số thành viên của Quốc hội nước này có tới 300 nghị sỹ khiến việc hình thành một liên minh là rất khó. Trong trường hợp một đảng không thể thành lập một chính phủ liên minh, Quốc hội sẽ bị giải tán và kéo theo một cuộc bầu cử sớm diễn ra trong vòng một tháng. Một quan chức thuộc Chính phủ Hy Lạp tiết lộ rằng cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra vào ngày 20/9 tới.

Khánh Duy