Giải bài toán hiện đại hóa nông nghiệp

Hương Nguyên 23/08/2015 09:10

Phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp bằng cách tạo sự liên kết thật sự trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới giải được bài toán hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để giúp nông dân có thể làm giàu từ nghề nông… Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực nông nghiệp nhưng vẫn không đủ để hóa giải những chính sách lỗi thời kéo lùi sự phát triển- đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Theo ông Thắng, hiện nay tác động tích cực của nhiều chính sách đã có một thời được cho là “cởi trói” trong nông nghiệp và nông thôn nhưng dường như đã tới hạn, thậm chí một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và giải quyết các vấn đề thiết yếu của nông dân.

Vẫn theo ông Thắng, kinh tế hộ một thời phát huy tác dụng như một động lực mạnh mẽ giúp người nông dân tích cực lao động trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng, nhưng đến nay không còn thích ứng với yêu cầu áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, tập trung và chuyên môn hóa cao và với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về số lượng, chất lượng, chi phí và thời gian cung ứng. Vì vậy, cần có một tổ chức đứng ra tập hợp sự tham gia của người dân sản phẩm nông nghiệp mới chất lượng.

Nhận xét quá trình dồn điền đổi thửa còn chậm, ông Nguyễn Huy Vinh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, tư tưởng tiểu nông, manh mún, tự cung, tự cấp đã và vẫn đang làm hạn chế việc tăng cường và mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp sản xuất, kinh doanh giữa các hộ gia đình, các doanh nghiệp.

Tình trạng ruộng đất được phân chia theo kiểu có gần, có xa, có tốt, có xấu từ sau khoán 10 đã khiến cho phần lớn các hộ nông dân (nhất là ở các tỉnh phía Bắc) qui mô ruộng đất nhỏ lẻ, phân tán với kỹ thuật canh tác theo kinh nghiệm truyền thống. Vấn đề này đang thật sự là trở ngại lớn cho việc đưa cơ giới hóa, hiện đại hóa, khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản. Sức liên kết kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn do vậy cũng yếu. Trong khi đây chính là yếu tố tạo nên thành công trong nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới.

Trăn trở với việc vì sao sản phẩm nông nghiệp không đủ sức cạnh tranh thậm chí thua trên sân nhà, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển- nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia đặt vấn đề tiến trình công nghiệp hóa không có lỗi với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tuy nhiên chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho việc thể chế hóa đường lối hiện đại hóa nông nghiệp cùng với tiến trình công nghiệp hóa. Như tại vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ vốn là nơi đất chật, người đông, nghĩa là thiếu diện tích cho lao động, nhưng quá trình thu hẹp đất nông nghiệp để phục vụ công nghiệp và dịch vụ đã không thực hiện được việc “đổi diện tích lấy năng suất”.

Nghĩa là người nông dân có thể bị thu hẹp diện tích sản xuất, nhưng đổi lại, họ nhận được những trợ giúp của Nhà nước cho việc tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất để không những không thiếu việc làm, mà còn tăng thu nhập nhờ sự tiến bộ của khoa học và kĩ thuật. Thêm vào đó là hàng loạt các dự án trở thành “qui hoạch treo”, thu hồi đất của nông dân làm cho họ mất đất canh tác.

Vẫn theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, do người dân bị thu hồi đất, thiếu việc làm, lại có những khoản tiền đền bù, nên từ chỗ vốn là “chân chỉ hạt bột” họ không được tư vấn, giúp đỡ nên không biết sử dụng ra sao, cộng với lối sống ngoại lai đang tác động nên đã làm cho một bộ phận thanh niên, lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn chủ lực bị biến chất trái với đặc điểm sống, lao động của họ. Đây là vấn đề lớn đối với chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp ở nông thôn nói chung, và ở một số vùng trọng điểm nông nghiệp của đất nước.

Hương Nguyên