Tuyên ngôn Độc lập đề cao quyền dân tộc và quyền con người

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà 23/08/2015 10:10

Ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước đông đảo nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với những giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người, bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh cao cả những giá trị nhân văn của nhân loại. Vượt qua thời gian, văn kiện lịch sử này vẫn có sức sống mạnh mẽ, vẹn nguyên ý nghĩa trong thời đại ngày nay.

Tuyên ngôn Độc lập đề cao quyền dân tộc và quyền con người

Lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Ảnh T.L.

Những giá trị cốt lõi

Nếu như các bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc, đó là: quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau.

Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Giáo sư Nhật Bản Singô Sibata từng đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”.

Những tuyên bố đanh thép trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam đã “đánh đòn phủ đầu”, đập tan những luận điệu xuyên tạc trong âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam.

Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Ngày nay, mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của nhân loại tiến bộ.

Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh

70 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đảng ta vẫn luôn khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Tôn trọng quyền con người cũng chính là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bởi con người là chủ thể xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 (ngày 12-11-2013) không chỉ thể hiện quan điểm trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta “coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán, tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực này”, mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Giá trị thời đại

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ quốc tế đa chiều, phức tạp, Đảng ta xác định bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước báo chí quốc tế về tình hình Biển Đông và thay mặt nhân dân thể hiện quyết tâm của cả dân tộc: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định tinh thần và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới cách đây 70 năm.Tinh thần yêu nước của người Việt Nam chính là truyền thống, là vốn quý báu nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh trong bối cảnh hiện nay.

Lập trường kiên định của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo chính là sự nối tiếp và tỏa sáng ý chí kiên cường bất khuất, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho hơn 20 triệu đồng bào tuyên bố trước toàn thế giới tại quảng trường Ba Đình lịch sử: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Năm tháng sẽ trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Đây chính là văn kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, phản ánh rõ ràng và mạnh mẽ nhất ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam yêu hòa bình nhưng sẽ kiên quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng lớn mạnh và hung bạo đến đâu.

Có lẽ trong thế giới hiện đại hiếm có một văn kiện chính trị-pháp lý của một quốc gia nào lại được viết ra trong quãng thời gian nhanh kỷ lục, lại ở vào thời điểm tình hình cuộc Tổng khởi nghĩa đang diễn ra rất khẩn trương trên phạm vi cả nước, như bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Có lẽ cũng chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có thể viết ra một văn kiện hoàn chỉnh, đầy đủ về nội dung, lập luận chặt chẽ, khúc triết, văn phong rõ ràng, mạnh mẽ và dễ hiểu như vậy.

Vì thế, có thể coi Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, là một văn kiện lịch sử - chính trị - pháp lý đầu tiên của các dân tộc thuộc địa bị áp bức, thống trị, đã đứng lên giành được độc lập ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà