Gieo niềm hy vọng nơi cực Tây Tổ quốc
Miền đất xa xôi được mệnh danh là “cực Tây” Tổ quốc - xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, hay xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hễ nhắc đến đã thấy nghèo khó. Nhưng người dân nơi đây đã có hy vọng vươn lên thoát nghèo nhờ Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Niềm vui của người dân được trao tặng bò.
Viettel hỗ trợ 12 tỷ đồng phối giống cho bò Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã cấp chi phí phối giống cho các hộ gia đình được nhận bò từ chương trình. Theo đó, mỗi hộ nghèo được Viettel hỗ trợ thêm chi phí phối giống là 500.000đ. Tổng chi phí cho chương trình lên tới 12 tỷ đồng. |
Xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông với những tên thôn như Chóp Ly, Háng Lia, Từ Xa, Huổi Múa, Mù Si Cơ… khi nói đến, đã gợi lên sự xa xôi, cách trở của đường đi cũng như nỗi khốn khó của đồng bào dân tộc nơi đây.
Đến bản Chóp Ly, xã Keo Lôm - một bản luôn được nhắc đến với cụm từ “đặc biệt khó khăn”, tọa ở độ cao đến cả nghìn mét so với mực nước biển, cái ăn của đồng bào nơi đây chỉ trông vào một vụ ngô gieo trên những hốc đất giữa đá núi.
Đất Keo Lôm mênh mông nhưng ngất ngưởng, dù có đến trên 139 km2, nhưng thực tế diện tích gieo trồng không được là bao. Ngay như thôn Chóp Ly được coi là mầu mỡ của xã, với 400 nhân khẩu nhưng đất trồng ngô và lúa chỉ có gần 70 ha (trong đó có 5 ha trồng được lúa). Trong điều kiện tự nhiên ấy, để tính kế sinh nhai, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, quả là rất khó.
Thào A Chơ, 30 tuổi, sống cùng vợ và 2 con ở bản Chóp Ly, một năm thì phải đến 3 tháng thiếu cái ăn. Làm nương, trồng ngô diện tích thì ít, không có tiền mua phân bón, cây giống nên vụ được vụ mất, cũng không có đủ vốn để chăn nuôi lợn, gà, trâu bò nên cái đói nghèo cứ bủa vây cuộc sống của đôi vợ chồng.
Có con trâu, con bò để chăn nuôi là mơ ước tưởng như chẳng bao giờ đến được với những người dân nghèo như Thào A Chơ. Ấy vậy mà, ước mơ ấy đã trở thành sự thật với cặp vợ chồng người Mông này khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Gia đình Thào A Chơ may mắn nhận được một bò cái, khỏe mạnh, đang vào tuổi sinh sản.
Con bò cái được tặng hôm nào nay đã sinh thêm được một con bê khỏe mạnh. Thào A Chơ vui cái bụng lắm, cả nhà cùng chăm chỉ cắt cỏ, chăm sóc cho bò mẹ, bò con mau lớn. Thào A Chơ cũng khoe nhờ có chiếc điện thoại di động do các anh bộ đội tặng nên rất tiện hỏi cán bộ thú y cách chăm sóc cho bò khi cần.
Không chỉ có gia đình Chơ mà còn 29 hộ nghèo khó nhất ở xã Keo Lôm cùng được trao tặng bò để đẩy lùi cái nghèo. Mỗi con bò, với giá trị 15 triệu đồng, một khối tài sản nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân nghèo đã vượt dốc, vượt rừng vào với đồng bào thiểu số Keo Lôm, mang đến cho họ nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Nếu như Keo Lôm là xã nghèo nhất ở huyện Điện Biên Đông thì Thanh Luông cũng là một xã nghèo ở huyện Điện Biên.
Quanh năm làm ruộng, không có nghề phụ, không có tiền mua con giống nên những gia đình như Quàng Văn Bỉnh (30 tuổi, ở đội 4, xã Thanh Luông) quẩn quanh với cái nghèo. Nhà của Bỉnh nằm chếch bên mép đồi, vách đắp bằng đất, mái lợp pro-xi-măng tạm bợ. Đồ đạc không có gì đáng giá ngoài cái bàn uống nước thấp ngang tầm người ngồi và mấy chiếc xoong nồi bên bếp củi. Vì vậy, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã mang niềm vui đến với căn nhà của vợ chồng anh Bỉnh.
Chị Lù Thị Biên (vợ anh Bỉnh) vui mừng cho biết, từ ngày nhận bò về cả nhà luôn xăm xắn đi cắt cỏ, dọn chuồng cho bò, coi con bò như báu vật trong nhà. Bây giờ, ngoài làm ruộng, chăn bò, Bỉnh còn lên huyện làm thêm nghề thợ xây. Tiếng cười nói rộn ràng của đứa con nhỏ và tiếng lục lạc của chú bò vàng khiến căn nhà rộn ràng hẳn lên.
Ông Lò Văn Ơn - Chủ tịch UBND xã Thanh Luông cho biết: “Cả xã vẫn còn gần 100 hộ nghèo. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất canh tác ít, để người dân vươn lên, xóa đói giảm nghèo, hợp nhất vẫn là việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, trong đó con bò là lựa chọn lý tưởng nhất. Chương trình tặng bò cho bà con dân tộc nghèo nơi đây có ý nghĩa rất lớn, rất thiết thực để giúp bà con cải thiện đời sống”.
Nơi cực Tây tổ quốc, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những hộ dân nghèo nhất ở những nơi xa xôi nhất đã tìm thấy niềm tin có thể đuổi được cái nghèo nhờ những con bò giống được các chú bộ đội trao tặng. Ở Điện Biên hiện đã có 2 con bò sinh sản và 50 con bò khác đang chuẩn bị đón bê con.
Niềm vui, niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng của đồng bào dân tộc đang bừng lên ở những vùng đất “ngút ngàn trùng xa” Tây Bắc.