Đầu tư tiền tỷ: Kịch múa vẫn “đắp chiếu”
Không chỉ được đầu tư kinh phí lên tới hơn 1 tỷ đồng từ Bộ VHTT&DL, vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” còn nhận được hỗ trợ cả về nhân lực, vật lực từ Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Thế nhưng, ngoài việc dựng vở để di dự liên hoan, đến nay vở diễn mới biểu diễn phục vụ công chúng có vẻn vẹn… 3 suất diễn.
Vở kịch múa tiền tỷ “Khoảnh khắc bất tử” dàn dựng chỉ để đi thi.
“Khoảnh khắc bất tử” (Kịch bản: Tuyết Minh; Tổng đạo diễn: NSND Phạm Anh Phương) là công trình phối hợp giữa Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhằm tái hiện hình ảnh, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đây cũng là kịch bản được chọn trong 18 kịch bản tốt nhất từ cuộc thi kịch bản sân khấu về đề lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Trong vở kịch, nhân vật chị Sáu hiện lên là hình ảnh của một nữ chiến sĩ công an của Việt Nam và cũng đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam đã cống hiến cho cuộc chiến tranh cách mạng để làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Điểm nhấn của vở kịch chính là sự hỗn độn trong tư duy của người cựu binh Pháp khi trở lại thăm Côn Đảo. Tại đây, hình ảnh nhà tù, chị Sáu và tất cả những người chiến sĩ cách mạng Côn Đảo trở về từ hồi ức của người cựu binh…
Trong đó, hai phần quan trọng nhất làm nên một vở kịch múa là âm nhạc và múa ballet đều được chăm chút ở “Khoảnh khắc bất tử”. Đặc biệt, các nghệ sĩ tham gia vở diễn được múa trên nền nhạc sống thay vì “nhạc máy” nên sự cộng hưởng giữa âm nhạc và múa hòa quyện cũng như tạo sự thăng hoa cho nghệ sĩ. Phần âm nhạc của vở diễn do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đặng Hùng và nhạc sĩ Đỗ Bảo đảm nhiệm cùng 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng.
Với sự đầu từ hùng hậu cả về con người lẫn vật chất, vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” đã liên tiếp dành các giải thưởng như 2 giải A và B trong Hội diễn học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo tổ chức; Giải đặc biệt về thể loại Kịch múa trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2015; 2 giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trao tặng. Đặc biệt, vở diễn tiếp tục đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức…
Thế nhưng, đằng sau những hào quang và thành công đó, nhìn vào số lượng buổi diễn quá khiêm tốn, các nghệ sĩ không khỏi buồn lòng. Ngoài các buổi diễn có tính chất thi thố, đến nay “Khoảnh khắc bất tử” mới chỉ được trình diễn phục vụ công chúng vẻn vẹn có 3 lần. Trong đó, cũng chỉ có hai đêm diễn chính thức được tổ chức tại Nhà hát Lớn cách đây cũng đã tròn một năm (8/2014) và một buổi diễn chào mừng thành công Đại hội Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam lần thứ 8 (6/2015).
Lấy làm tiếc cho một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư bài bản, hoành tráng mà giờ đây nằm “đắp chiếu”, chúng tôi đã trao đổi với nghệ sĩ Tuyết Minh, tác giả kịch bản của vở diễn. Bà cho biết: Tới đây Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ có một đợt biểu diễn vở “Khoảnh khắc bất tử” tại Nhà hát Lớn với kinh phí thực hiện nằm trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Nhà hát.
Tuy nhiên, để bán vé được với các tác phẩm múa lịch sử là một trăn trở cùng sự vận động rất lớn của những người làm truyền thông, ê kíp tổ chức sản xuất chương trình. Những tác phẩm kịch múa có đề tài về lịch sử có thể hoành tráng, để lại giá trị lớn nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với khán giả trẻ cũng như công chúng nói chung.
Theo bà Minh, việc “đắp chiếu” một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư lớn không chỉ là lãng phí mà còn để lại một sự thiếu hụt ở bước đằng sau cho sự sáng tạo nghệ thuật. Theo đó, trong thời gian tới ê kíp dàn dựng vở đang tìm các giải pháp, có thể là 50% vé mời và 50% vé bán. Như nhiều người biết, kịch múa hiện không chỉ gặp khó trong khâu tổ chức biểu diễn, mà để có các tác phẩm múa hay gắn liền với đề tài lịch sử, với yêu cầu thu hút công chúng đang là nỗi lo lớn của những người làm nghề.
Thực tế, để sáng tác những tác phẩm múa mảng đề tài sáng tác về lịch sử cần phải có sự đầu tư rất lớn về kinh phí, thời gian, con người. Chưa kể, để có được những tác phẩm lớn như vậy thì hầu hết các tác giả vẫn phải trông đợi các cuộc vận động sáng tác.
Chính vì cái khó này mà nhiều nhà hát hiện nay đang phải lấy ngắn nuôi dài, như ưu tiên các đề tài sáng tác về đề tài hiện đại, xã hội đang quan tâm và tất cả những gì khán giả trẻ đang hướng tới. Bằng những dự án ngắn hạn như thế các nhà hát mới có thể có thêm nguồn lực, thời gian. Bởi vì các nghệ sĩ mà cứ bị đứt đoạn sáng tác của mình thì dòng sáng tác sẽ không đều. Kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác sẽ bị ngắt quãng.
Cùng với đó rất nhiều nghệ sĩ múa, biên đạo múa cũng nhận định thời gian qua, nghệ thuật múa đã bị sử dụng tương đối dễ dãi. Nguyên nhân là bởi bởi nhiều vũ đoàn nổi lên, sự xuất hiện của các biên đạo tay ngang. Ngôn ngữ múa Việt Nam vì thế bị pha tạp, du nhập bởi các điệu múa mới trên thế giới. Sự ra đời của hàng loạt gameshow với sự đan xen, nhào nặn giữa nghệ thuật múa với xiếc, múa cột đã vô tình biến tướng các điệu múa, nhảy thuần khiết.
Và chỉ một vài nguyên nhân trên, trong khi giới trẻ đã quen với những điệu nhảy, điệu múa được du nhập thì việc 1 năm trời, một tác phẩm được đầu tư cả tỷ đồng như “Khoảnh khắc bất tử” chỉ được diễn có 3 lần cũng xem ra là điều dễ hiểu. Nếu như không thay đổi, đầu tư chiến thuật quảng bá, những vở kịch lịch sử dàn dựng hoành tráng, công phu… cũng chỉ phục vụ cho việc đi thi, dành giải.