Nước mắt ở 'thủ phủ khoai lang tím'

Quốc trung 23/08/2015 09:40

Trở lại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) - thủ phủ khoai lang tím của đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi không còn nghe người dân nơi đây nhắc tới những câu nói này nữa, mà bao phủ là một nỗi buồn, sự thất vọng cùng cực khi chính củ khoai lang đang là nguyên nhân khiến cho nhiều gia đình ôm nợ, ly tán tha phương cầu thực …

Nước mắt ở 'thủ phủ khoai lang tím'

Khoai lang bị bỏ ngoài ruộng vì giá rẻ mạt.

“Mua xe tay ga nhờ khoai với củ
Mua sắm đồ lụ khụ cũng nhờ củ với khoai
Cưới vợ cho thằng Hai cũng nhờ khoai với củ
Đám tiệc có mặt đông đủ cũng nhờ củ với khoai…”

Bỏ xứ vì khoai lang…

Hôm chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Thanh Tuyền (còn có tên là Hiệp) ở ấp Thạnh Hiếu, xã Thành Trung, theo lời kể sau nhiều năm bám trụ với củ khoai lang đều bị thua lỗ, gần đây nhất bị lỗ gần 200 triệu đồng, không có khả năng trả, vợ chồng anh đã bỏ nhà trốn đi vài tháng nay.

Cơn mưa nặng hạt, khiến cho đoạn đường vào tuyến dân cư Thạnh Hiếu, xã Thành Trung thêm phần âm u. Vừa thấy chúng tôi dừng xe trước nhà anh Tuyền, chưa kịp hỏi gì thì bà Nguyễn Thị Lệ hàng xóm của anh Tuyền đã chạy qua nói, các anh đến đòi nợ nó hả, rồi nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.

Khi biết chúng tôi là nhà báo thì bà Lệ cởi mở hơn. Nó mượn bằng khoán đất của tôi cầm 45 triệu giờ nó bỏ nhà đi luôn rồi không biết sao nữa. Nhưng con cháu nó làm ăn lỗ lã đành chịu chứ bắt nó cũng chả được, chắc nó bỏ xứ đi làm rồi vài năm nó lại về mà. Thôi thì chừng nào nó có thì nó trả chứ biết làm gì bây giờ. Rồi bà Lệ đá qua câu chuyện của bà, vụ vừa rồi cũng làm 3 công (3.000m2) lỗ trắng, giờ cũng đang lâm nợ, bà Lệ than vãn: Khổ lắm chú ơi, chúng tôi ngoài làm lúa và trồng khoai biết làm gì.

Gia đình anh Nguyễn Văn Phát, kế nhà bà Lệ cũng vậy, lỗ gần 50 triệu đồng từ trồng khoai lang. Hiện đang nợ ngân hàng 20 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Út Nhỏ vợ của anh đã phải xa chồng, xa con đến tận Nha Trang làm thêm kiếm tiền về trả lãi ngân hàng.

Chuyện về người nông dân cần mẫn Phan Văn Tạo ở ấp Thạnh Hiếu, xã Thành Trung thì bi đát hơn. Nghề trồng khoai lang gắn với anh khoảng 15 năm nay, 3 năm trở lại đây, năm nào cũng lỗ, tính đến nay anh lỗ khoảng 450 triệu vì cố gắng bám theo củ khoai lang tím.

Anh Tạo thuê 18 công đất cách nhà vài cây số để trồng khoai lang tím Nhật, tiền thuê đất khoảng 5 triệu đồng/công/năm. Vụ khoai năm nay bị lỗ nặng, giá lúc anh dỡ khoai thương lái đến mua chỉ 180 ngàn đồng/1 tạ (60 kg), 18 công khoai anh bị lỗ 150 triệu đồng. Hiện còn 8 công đất sau nhà trồng khoai chuẩn bị thu hoạch.

Anh Tạo bức xúc: Thương lái trời thần lắm, củ khoai tròn vo người ta gọi là “khoai bóng” không có sâu ăn thì thu với giá cao, còn củ khoai bị sâu ăn vào 1 đến 2 lỗ là củ khoai mất giá trị, thậm chí là thương lái không thèm thu mua. Thời gian qua thương lái giao ước với chúng tôi, nếu khoai bị đục 3 lỗ thì lấy, còn 4 lỗ trở lên sẽ không thu gom, hoặc thu gom với giá rất rẻ mạt.

Cụ thể củ khoai bóng, không có lỗ sẽ thu gom khoảng 400 đến 450 ngàn đồng/tạ (thường số lượng khoai này rất ít, chiếm khoảng 20%), còn nếu có 3 lỗ thì sẽ thu gom 180 ngàn đồng/1 tạ, còn 3 lỗ trở lên chỉ thu gom có 5 ngàn đồng/1 tạ(tương đương 60 kg). Hiện nay thương lái đang thu gom kiểu đánh đồng, lấy hết không cần biết khoai xấu hay đẹp có bao nhiêu lỗ, thu gom đồng giá chỉ có 30 ngàn đồng/1 tạ, cứ miễn vô đầy bao, cân đủ là 30 ngàn đồng/tạ…

Hiện nay anh Tạo đang nợ ngân hàng 240 triệu đồng, toàn bộ bằng khoán đất của gia đình anh đã cắm ngân hàng hết, không có khả năng trả nợ. Vụ khoai lang này do lỗ nặng quẫn trí, anh Tạo tính tự vẫn, nhưng được vợ khuyên can anh mới bỏ ý định.

Sau khi dẫn chúng tôi đi vài hộ, ông Lê Thanh Tính, Trưởng ban công tác mặt trận ấp Thạnh Hiếu, xã Thành Trung phân trần: Lúc này nước đã bung đồng, nếu bên này dỡ (thu hoạch) thì nhà kế bên cũng phải dỡ theo, nếu không thì họ bơm nước vào trồng lúa sẽ ngập hết, khoai sẽ bị hư. Trong khi thương lái nó nắm được thời cơ này ép giá, bắt buộc mình phải bán, rẻ cũng phải bán. Trước đây tôi cũng trồng 8 công khoai, thấy lỗ dữ quá bỏ chạy luôn, chứ nếu theo cho đến nay chắc mạt. Nói chung là năm nay người nào trồng khoai đều lỗ, người nào trồng ít thì lỗ ít, người nào trồng nhiều thì lỗ nhiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, củ khoai lang tím năm nay rớt giá thê thảm khiến cho nhiều gia cảnh phải ly tán, vợ, chồng bỏ xứ đi làm ăn xa vừa trốn nợ, vừa kiếm tiền để trả nợ. Cứ khoảng 10 nhà trồng khoai thì có ít nhất là 2 nhà hiện đã và đang tính bỏ xứ, bỏ nhà đi tỉnh khác để làm công nhân kiếm tiền.

Theo thống kê của Hội nông dân xã Thành Trung diện tích trồng khoai lang của xã chiếm khoảng 80% toàn huyện (khoảng 1.200 ha).

Nước mắt ở 'thủ phủ khoai lang tím' - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Tân Cương bỏ 2,5 công khoai ngoài ruộng bị ngập nước.

Người nông dân đơn độc

Ngoài bị thương lái ép giá, khoai lang còn bị thiệt hại vì sâu bệnh. Thời gian qua người dân ái ngại với con sâu đen. Con sâu này thường đục lỗ khoai khiến cho giá trị của củ khoai rớt thảm, vì vậy người dân ở đây còn đặt tên cho con sâu đen là sâu tàn mạt (nghĩa là nó ăn khiến cho người dân trồng khoai phải tàn mạt luôn – PV).

Cha con ông Phùng Minh Hạnh (còn gọi là Hai Phúc), gồm 3 người con là Phùng Minh Tâm, Phùng Minh Hoàng, Phùng Minh Khải cùng thuê trên 80 công đất trồng khoai. Vụ khoai lang đầu năm 2015 này cha con ông 2 Phúc lỗ nổi tiếng cả xã Thạnh Trung trên 1 tỷ đồng.

Toàn bộ đất đai tài sản ông cầm cố ngân hàng vay 250 triệu đồng hiện không có khả năng lấy lại, ngoài ra cha con ông 2 Phúc vay mượn ở ngoài khoảng 6 cây vàng gần 200 triệu, và trên 350 triệu đồng tiền phân thuốc rồi các khoản khác, tổng cộng lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Vụ khoai lang năm nay ông 2 Phúc bán chỉ được 2,5 triệu đồng/1 công, số tiền này chỉ đủ trả tiền công cho người dân dỡ khoai. Trong khi theo tính toán của ông 2 Phúc chi phí để trồng 1 công khoai lang hết khoảng 18 triệu đồng.

Ông 2 Phúc cho biết: Trước khi thu mua thương lái đến dò hỏi cũng trả giá tương đối cao, nhưng khi khoai dỡ lên rồi thì họ lại ậm ừ, mua cầm chừng, họ chọn khoai cũng rất kỹ, củ lớn quá cũng không mua, màu nhạt chút cũng không mua, để hạ giá xuống, trong khi khoai nào có để được lâu, vài ngày là khoai bị hư liền, chúng tôi đành phải bán chứ biết sao bây giờ…Hổm rày ngân hàng họ điện hoài, còn 2 quý đóng lãi chưa đóng nổi. Có miếng đất 500m2 để dành cho thằng con trai ra riêng đang phải kêu bán để đóng lãi cầm chừng và trả được ít nào cho người ta thì trả - ông Hai Phúc rầu rỉ nói.

Ông 2 Phúc còn nói: Nợ cứ chồng nợ, với số nợ lớn như vậy tôi không biết xoay xở thế nào, nhiều lúc muốn “nghĩ gối” chết quách đi cho xong, nhưng phải gượng dậy vì còn con cái gia đình, họ lại tiếp tục gánh hậu quả mà mình gây ra. Nghề trồng khoai đã gắn với ông 2 Phúc 15 năm nay, vui có, buồn có, cũng có lúc đời lên hương nhờ củ khoai, nhưng giờ đây đang trở thành gánh nặng và nổi ám ảnh.

Mặc dù năm nay lỗ rất nặng nề, nhưng qua câu chuyện với ông Hai Phúc, dường như ông vẫn tiếp tục bám trụ và đầu tư vào canh bạc may rủi này, đơn giản vì người nông dân ở đây không làm khoai thì làm gì bây giờ. Ông Hai Phúc hi vọng năm nay nhiều hộ dân bị thua lỗ nặng nề, năm tới sẽ ít người trồng khoai lang, giá cả sẽ tăng trở lại.

Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm đến được nhà, ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Tân Cương, nghe nói ông Sơn chuẩn bị khăn gói lên Bình Dương để làm thêm kiếm tiền nuôi 2 đứa con vừa chân ướt chân ráo bước vào đại học. Căn nhà sập xệ khó khăn, gặp chúng tôi, ông Sơn dẫn ra ruộng khoai trước nhà nói: 2,5 công khoai bỏ luôn không thu hoạch nữa, vừa nói ông vừa lôi bụi khoai lên do nước ngập nên đã bị thúi hết, không thu hoạch thì lỗ ít, còn thu hoạch thì lỗ nhiều hơn, đành bỏ vậy, 3 vụ bám với củ khoai, năm nay nữa là hết nổi, hiện gánh nợ khoảng 30 triệu đồng…

Khó khăn là vậy, cuộc sống tưởng chừng như bế tắc, nhưng có một điều mà chúng tôi cảm thấy nể phục những người nông dân ở đây, đó là họ không nhụt chí. Họ vẫn làm quần quật dù không biết trước được kết quả sẽ như thế nào. Đặc biệt là những người dân chân chất, thật như đếm này, họ không hề oán trách chính quyền sao để cho thương lái ép giá như thời gian qua, không than vãn về hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh khiến cho họ không quyết định được mùa vụ. Thậm chí họ còn không nghĩ tới chuyện đề nghị nhà nước hỗ trợ khi họ bị thua lỗ tới sạt nghiệp.

Lối đi nào cho khoai lang Bình Tân?

Ông Lê Thanh Tính, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thạnh Hiếu cho biết thêm: Có những hộ dỡ khoai vào mùa nghịch nếu ruộng đất có bờ bao khép kín, chủ động được nước, muốn thu hoạch vào mùa nào thì thu hoạch thì giá thành luôn cao. Còn những hộ dân không có bờ bao khép kín buộc phải làm theo vụ mùa, theo con nước, đến tháng chạp nước dựt xuống lúc đó người dân mới trồng khoai được, thường mùa này không có giá. Có lúc giá thành lên cao khoảng 20 đến 30 triệu/công thì người dân có lời từ 10 đến 15 triệu đồng/công. Nhưng giờ này thì thu hoạch 1 công khoai không đủ trả tiền nhân công, đó là chưa tính tiền phân bón, rồi tiền thuê đất để làm khoai…

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân của huyện Bình Tân cho biết: Sau nhiều năm giúp người dân đổi đời, vài năm gần đây khoai lang đang làm điêu đứng biết bao nhiêu là hộ dân của vùng Bình Tân này.

Ông Võ Văn Theo - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết: Toàn huyện Bình Tân có khoảng 10.000 ha đất trồng khoai lang tím. Khoai lang tím Nhật chỉ xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Gần đây bên đó họ chậm “ăn hàng” nên làm giá khoai lang trong nước giảm xuống. Chỉ có duy nhất vào năm 2011, giá khoai lang tím Nhật hơn 1 triệu đồng/tạ, nhiều nông dân trồng 1 vụ đã thành tỉ phú.

Như lời của những hộ dân ở vùng này, thời gian qua, người dân tự trồng khoai lang và làm ăn trực tiếp với thương lái, bị thương lái ép giá mà không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Thậm chí là rất nhiều hộ dân làm ăn thua lỗ, rất nhiều hộ dân bỏ xứ đi nơi khác, nhưng vẫn chưa thấy chính quyền địa phương có động thái gì?

Quả thật, lúc này những người dân rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngân hàng tạo điều kiện để họ được tiếp tục đầu tư sản xuất, tìm đầu ra cho khoai lang, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để người dân có cơ hội vực dậy cuộc sống, vực dậy sản phẩm đặc trưng của địa phương...

Quốc trung