Bán đảo Triều Tiên: Ngòi nổ chiến tranh tạm thời được gỡ bỏ
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng không ngừng trên bán đảo Triều Tiên khi các bên đưa ra những lời cảnh báo động binh, Seoul và Bình Nhưỡng đã đạt được thỏa thuận gặp gỡ vào chiều ngày 22/8 tại “ngôi làng ngừng bắn” lịch sử thuộc khu vực phi quân sự (DMZ) nhằm tháo ngòi căng thẳng.
Ngòi nổ chiến tranh tạm thời được tháo sau tuyên bố về cuộc họp
giữa các lãnh đạo hai miền Triều Tiên.
(Nguồn: AP).
Hàn Quốc và Mỹ đã nối lại cuộc tập trận thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG) trong hôm 22-8. Cuộc tập trận UFG bắt đầu từ hôm 17-8 nhưng bị hoãn lại hôm 20-8 do Hàn Quốc và Triều Tiên đấu pháo ở biên giới. Bình Nhưỡng bị cáo buộc khai hỏa trước, nhằm vào các vị trí Seoul đặt loa tuyên truyền ở thị trấn Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi. |
Các vòng họp cấp cao này có sự tham gia của cấp phó lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Hwang Byeong Seo và Kim Yang Gon, một cựu binh từng tham gia các vòng đàm phán với Hàn Quốc từ thời Kim Jong-il. Phía Hàn Quốc tham dự gồm có Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo và người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Kim Kwan-jin.
Cuộc họp được tổ chức ở Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực DMZ ngăn cách hai miền Triều Tiên vào lúc 18h00 ngày 23/8 (16h00 Việt Nam), tức đã qua thời hạn chót mà phía Triều Tiên đặt ra trước đó khoảng 1 giờ đồng hồ, yêu cầu phía Hàn Quốc ngừng các dàn loa phóng thanh tuyên truyền ở khu vực biên giới.
Phía Nhà Xanh, tức phủ Tổng thống Hàn Quốc, cho biết cuộc gặp được tổ chức theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, đặc biệt là phải có sự góp mặt của hai nhân vật nói trên của Hàn Quốc. Tuyên bố về buổi gặp cấp cao xuất hiện chỉ 48 giờ sau hàng loạt những lời đe dọa, phản pháo giữa hai bên và đặc biệt sau khi xảy ra vụ đọ pháo ngày 20/8.
Khu vực nghỉ dưỡng nổi tiếng Imjingak ở thành phố Paju của Hàn Quốc, chỉ cách DMZ khoảng 7 km, đã phải tạm đóng cửa trong hôm 22/8 để dọn đường cho các vòng đàm phán giữa giới chức hai bên. Một số hãng tin cũng cho hay khu nghỉ dưỡng này sạch bóng du khách, sau khi chính quyền cho sơ tán người dân vì lo ngại khả năng bị đánh bom.
Như vậy, ngòi nổ chiến tranh tạm thời đã được tháo. Trước đó, chính quyền Kim Jong-un hôm 21/8 từng tuyên bố với Hàn Quốc rằng: Ngừng ngay các hành động “khiêu khích” và “chiến tranh tâm lý” hoặc phải trả giá. Điều này ám chỉ đến chương trình tuyên truyền bằng các dàn loa phóng thanh cỡ lớn ở khu vực biên giới mà phía Hàn Quốc thực hiện từ đầu tháng đến nay, nhằm đáp trả vụ nổ mìn khiến 2 binh sỹ nước này bị thương.
Được biết phía Hàn Quốc đã thiết lập 11 điểm phóng thanh tuyên truyền như vậy, hàng ngày phát đi các nội dung dân chủ, tin tức thế giới và tin thời tiết sang phía Triều Tiên. Đây là một chiến thuật mà Hàn Quốc đã ngừng sử dụng trong suốt 10 năm qua.
Trước khi cuộc đàm phán được tuyên bố, Đại sứ Triều Tiên ở LHQ An Myong Hun đã nói trước báo giới rằng: “Nếu Hàn Quốc không đáp trả tối hậu thư của chúng tôi…thì việc quân đội của chúng tôi sẽ đáp trả là rõ ràng và hành động đáp trả đó sẽ rất mạnh mẽ”.
Và như một hậu quả sau lời đe dọa đó, người dân ở khu vực phía Bắc Hàn Quốc, như thị trấn Yeoncheon vốn nằm sát DMZ, đã phải đi sơ tán ngay trong ngày 22/8 do lo ngại khả năng bị tấn công. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng hạn chế công dân nước mình đi vào khu công nghiệp chung ở phía Bắc, dù cho nó vẫn duy trì hoạt động đến cuối ngày 21/8.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong hôm thứ Bảy cũng cho biết đã yêu cầu binh sỹ ở khu vực biên giới vào vị trí sẵn sàng. Dù cho những lời đe dọa từ phía Bình Nhưỡng không còn quá lạ lẫm đối với Seoul suốt nhiều năm qua, nhưng nguy cơ xảy ra xung đột lần này lại lớn hơn hẳn.
Được biết tối hậu thư của Bình Nhưỡng đã yêu cầu các dàn loa phát thanh tuyên truyền của Hàn Quốc phải được tắt vào lúc 17h00 chiều 22/8, nhưng đến thời điểm đó các dàn loa này vẫn hoạt động. Chỉ 10 phút trước khi hạn chót kết thúc, Bình Nhưỡng đã gửi đi một bản fax cho Chính phủ Hàn Quốc.