Nguyên tắc suy đoán vô tội

H.Vũ (thực hiện) 24/08/2015 09:05

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Trao đổi với ĐĐK trước Hội nghị ĐBQH chuyên trách sẽ diễn ra từ hôm nay (24/8), Luật gia Đặng Quang Thắng- Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Với người bị tình nghi phải chứng minh người ta vô tội trước, tìm các chứng cứ ngoại phạm, sau đó mới tìm các chứng cứ chứng minh người ta có tội.

Luật gia Đặng Quang Thắng.

PV: Khi cho ý kiến về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đề cập đến nguyên tắc suy đoán vô tội thì nhiều ý kiến cho rằng trong suy nghĩ của điều tra viên ngoài việc chứng minh phạm tội thì cũng cần chú ý tới các chứng cứ phạm tội và tìm ra các chứng cứ không phạm tội thông qua lời khai, chứng cứ ngoại phạm của bị cáo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Luật gia Đặng Quang Thắng: Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Tức là không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực hiệu lực pháp luật của Nhà nước. Điều đó thể hiện tại Điều 31 của Hiến pháp và tại điều 9 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nghĩa vụ chứng minh là trách nhiệm của bên buộc tội. Cáo trạng của Viện kiểm sát và bản kết án buộc tội của tòa án cần bắt buộc phải dựa vào các chứng cứ khẳng định lỗi của người bị buộc tội trong quá trình thực hiện tội phạm. Tất cả mọi sự nghi ngờ về lỗi của người bị buộc tội nếu như không thể loại trừ theo trình tự luật định, nghĩa là phải chứng minh ngoại phạm trước, chứng minh vô tội trước mới chứng minh có tội sau. Tuy nhiên, vẫn còn điều tra viên do chủ quan đã chứng minh có tội trước, không theo nguyên tắc suy đoán vô tội mà là “suy đoán có tội”. Cách làm ngược này rất dễ đến oan sai, bức cung, nhục hình.

Nguyên tắc suy đoán vô tội là bảo vệ quyền con người, gắn với quyền con người, là nguyên tắc văn minh. Bây giờ người ta hay nói đến quyền im lặng của người bị tình nghi, bị bắt cho đến khi luật sư của họ đến. Điều đó cần cụ thể hóa ở trong các điều luật, nhất là tố tụng.

Như vậy, vai trò của điều tra viên là rất quan trọng?

- Muốn các nguyên tắc này đi vào cuộc sống thì phải hình thành một cơ chế đảm bảo cho nó, phải chú trọng ngay trong công tác đào tạo nghiệp vụ điều tra và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh, hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi bức cung, nhục hình và làm sai lệch hồ sơ. Nếu không sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng dai dẳng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần ghi âm ghi hình khi hỏi cung. Nhưng việc cho bị cáo nghe lại ghi âm ghi hình đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông?

- Về nguyên tắc đã ghi âm ghi hình thì phải cho bị cáo xác nhận lại. Vì nếu không sẽ dẫn đến sự nghi ngờ chỉ ghi những gì có lợi, hoặc là cắt xén. Đồng thời trong trường hợp họ có khiếu nại gì thì đưa ra không phải tranh cãi. Do vậy đã mất công ghi hình thì nên khẳng định lại.

Để chống bức cung nhục hình thì ngoài biện pháp ghi âm, ghi hình còn biện pháp nào nữa, thưa ông?

-Ngay từ thời điểm người phạm tội bị bắt hoặc bị buộc tội, cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ giả thích cho họ là họ có quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Trong trường hợp họ mời người bào chữa thì cần có quy định đơn giản, thủ tục để người bào chữa có thể tham gia ngay và phải có các quy định để đảm bảo người bào chữa thực hiện các quyền mà pháp luật cho họ và phải có chế tài thực sự với những ai cản trở những quyền đó. Tránh tình trạng có quyền nhưng không có cơ chế đảm bảo thực hiện quyền thì cũng không ổn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)