Người nhiều duyên nợ với Mặt trận
Gắn bó với công tác Mặt trận của phường suốt mười mấy năm, ông Phạm Huy Tuấn - Chủ tịch MTTQ phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá bảo đấy là duyên nợ. Vì nếu không phải điều ấy thì không dễ gì ông có thể vượt qua những khó khăn, bộn bề mà người làm công tác Mặt trận phải đối diện.
Ông Phạm Huy Tuấn (thứ 2 từ phải sang)
thường xuyên xuống địa bàn cơ sở để lắng nghe ý kiến nhân dân.
Làm chủ tịch 12 năm không sắm nổi… xe máy
Trước khi gặp, tôi đã được nghe người ta nói nhiều về ông, một cán bộ Mặt trận có thâm niên, năng nổ và đặc biệt là người có tâm trong công việc.
12 năm trời ở cương vị là Chủ tịch MTTQ phường, không công lớn việc nhỏ nào của địa phương ông vắng mặt. Mỗi việc của phường là mỗi khó khăn khác nhau nhưng bằng nhiệt huyết, sự chân thành của mình ông đều có cách tháo gỡ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Tôi vẫn hay nói vui, người làm công tác Mặt trận là trận nào mình cũng có mặt nhưng đấy là sự thật. Vì Mặt trận là cầu nối giữa dân với Đảng, là nơi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân… Khó khăn, vất vả nhiều đấy nhưng tôi thấy mình tìm được niềm vui trong chính công việc hàng ngày!” – ông cười hiền lành lý giải.
Ông bảo với tôi rằng mọi chuyện trên đời này đều tùy vào chữ “duyên”, ông đến và gắn bó với công tác Mặt trận suốt ngần ấy năm cũng bởi một chữ “duyên” ấy.
Vừa rót nước mời khách ông vừa kể. Năm 1996, ông xuất ngũ về quê và tham gia hoạt động trong phong trào đoàn thể của phường. Với sự nhiệt huyết của mình, lúc ấy, ông được xem là hạt nhân trẻ trong công tác đào tạo cán bộ nòng cốt của phường. Mọi việc đang trên đà thuận lợi thì bất ngờ mẹ ông mắc bệnh và loà hẳn, ông đành gác lại tất cả và xin nghỉ để ở nhà tiện bề chăm sóc mẹ và tính kế mưu sinh.
Nhưng rồi việc làng, việc phố cứ như duyên nợ với ông, năm 1998, ông được bà con khối phố tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố Lê Hữu Lập, ít lâu sau, Đảng ủy phường vận động ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và đến năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch MTTQ phường Lam Sơn.
“Lúc ấy kinh tế của gia đình đã tạm ổn, việc kinh doanh buôn bán cũng trên đà phát triển, vợ tôi cứ “vận động” ở nhà phụ giúp kinh doanh. Tôi biết cô ấy không muốn tôi ra làm cán bộ Mặt trận bởi một nhẽ, vừa tốn nhiều thời gian, lương cán bộ Mặt trận lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 300 nghìn… Suốt 12 năm làm Chủ tịch MTTQ lương và phụ cấp không giúp tôi mua nổi một chiếc xe gắn máy để đi làm. Chiếc xe đang đi hiện nay có được là vợ tôi… mua tặng. Nhưng tôi nói với vợ rằng, mình là bộ đội, về với địa phương thì phải đóng góp gì đó cho quê hương chứ không phải làm vì phụ cấp, chức tước!” – ông Tuấn chia sẻ.
Thời điểm ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch MTTQ phường cũng là khi thành phố Thanh Hóa có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, thành phố đang khoác lên mình một diện mạo mới. Phố phường được chỉnh trang, nhà cửa, công trình đồng loạt xây dựng… Đây cũng là lúc những người làm công tác Mặt trận phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới.
Là phường nằm ở vị trí trung tâm của thành phố nên vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng luôn là điểm nóng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành nhưng để tìm được tiếng nói đồng thuận giữa bà con nhân dân và chính quyền thì không thể thiếu bàn tay và cái tâm của người Mặt trận. Những dự án điển hình như tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Công viên Hội An… đã gắn liền với công tác Mặt trận của riêng ông và cho ông thêm nhiều kinh nghiệm trong vận động.
Với uy tín của mình, từ năm 2000 đến nay ông liên tục được tín nhiệm và quy hoạch vào các chức danh chủ chốt như Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy phường nhưng ông đều từ chối. “Có lẽ mình chỉ hợp với công tác Mặt trận!” – ông cười vui vẻ.
Bí quyết của ông Tuấn
Với phương châm mọi hoạt động của Mặt trận đều hướng về khu dân cư, trong suốt những năm qua ông đã cùng với cán bộ Mặt trận các cấp của phường Lam Sơn tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân toàn phường phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” của thành phố. Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, phố văn hóa, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhiều mô hình điển hình sản xuất, kinh doanh được mở rộng, tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm cho con em địa phương, nhiều hộ kinh doanh giỏi có thu nhập đến trên 250 triệu đồng/ năm đã xuất hiện.
Chỉ tính riêng trong khoảng từ năm 2010 – 2014, với sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp hảo tâm, MTTQ phường Lam Sơn đã xây dựng mới và sửa chữa nhà tạm bợ, dột nát cho 23 hộ nghèo, giúp đỡ 18 hộ thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn phường chỉ còn 43 hộ nghèo, 19/21 khu phố có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, số tiền do nhân dân đóng góp để xây dựng lên đến gần 6 tỉ đồng.
Nói về kinh nghiệm trong công tác Mặt trận của mình, ông Phạm Huy Tuấn chia sẻ: Ngoài việc tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy phường, người làm công tác Mặt trận phải thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền vận động, tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng đô thị văn minh tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Chọn một khu dân cư điển hình làm điểm để triển khai thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm để biểu dương và nhân rộng cổ vũ phong trào. Phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên, đặc biệt là vai trò của lớp người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy hiệu quả tối đa.
Đồng thời, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện triệt để phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Lấy sức dân để lo cho dân”, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích giữa cái chung và cái riêng, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
“Cái gì cũng phải để dân tự giác, tự nguyện thực hiện thì cuộc vận động mới đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Tuấn khẳng định.