Cò dịch vụ và phí bôi trơn

Thanh Giang 24/08/2015 09:30

Cuối tuần qua đã diễn ra cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Cục Thuế và Cục Hải quan TP HCM. Tại đây, nhiều DN bức xúc về tình trạng rườm rà trong quá trình kiểm tra hàng hóa. Hậu quả là DN phải tìm đến “cò” dịch vụ hoặc trả phí “bôi trơn” cho hoạt động thông quan.

Khai báo hải quan là một trong những khâu rất quan trọng
trong quá trình xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Một DN chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị yêu cầu: Phải có quy định khi nào mở container để kiểm tra vì hải quan có máy soi. Không thể lãng phí thời gian và chi phí của DN như hiện nay được. Vị này lý giải rõ khúc mắc, tại sao hiện nay đã thực hiện hải quan điện tử, có máy soi kiểm tra hàng hoá trước và sau thông quan, vậy mà các lô hàng máy móc thiết nhập về bị đều phải thực hiện thêm khâu kiểm tra thực tế hàng hoá một lần nữa mới được cho thông quan? Quy trình thủ tục trên gây khó cho DN. DN rất ngại khâu này, bởi tháo ra, đóng vào ảnh hưởng đến chất lượng máy móc. Đó là chưa kể thời gian hàng hóa bị ùn ứ ngoài cảng.

Khó khăn, vướng mắc trên không được cơ quan chức năng giải quyết theo chiều hướng thông thoáng nên DN chỉ còn một lựa chọn duy nhất là tìm đến “cò” dịch vụ. Để hàng tránh được khâu trên các “cò” làm dịch vụ thông quan ra giá “chung chi” một container là 200 – 300 USD, tương đương 4 – 6 triệu đồng/container. Mặc dù con số chi cho “cò” dịch vụ thông quan không nhỏ song DN vẫn chấp nhận mất chi phí bôi trơn này.

Lý do, DN không mạnh tay chung chi khoản này thì cũng mất chi phí tương đương cho việc kiểm hoá và mất thêm thời gian chờ đợi kết quả kiểm tra từ cơ quan hữu quan. Việc kéo dài thời gian chờ đợi sẽ làm giảm lợi nhuận sản xuất thương mại của DN. Quan ngại về vấn đề liên quan ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hoá nhựa Bông Sen phân trần: “Vừa qua, DN nhập một lô hàng 11 container thì chi phí “bôi trơn” hơn 90 triệu đồng. Điều này khiến DN bức xúc và mệt mỏi”.

Đại biểu tham dự Hội nghị bức xúc về các thủ tục cản trở hoạt động đầu tư.

Ảnh: S. Xanh

Tương tự, đại diện DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bày tỏ lo ngại khi muốn nhập khẩu một số lượng cá giống về Việt Nam. Vì ngoài việc phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ NN&PTNT thì khi hàng về tới cửa khẩu lại phải trình khâu kiểm dịch. Điều DN ngán ngẩm nhất hiện nay chính là tình trạng “ngâm, ủ” thủ tục kiểm dịch.

Chính vì lẽ đó mà bình quân một lô hàng muốn hoàn tất khâu kiểm tra thường mất tới vài ngày. Vị đại diện này so sánh thủ tục của Việt Nam với nước ngoài trong hoạt động nhập khẩu giống cá. Ở nước ngoài, việc nhập khẩu các giống cây trồng, vật nuôi sẽ đơn giản hơn, chỉ cần nhập đúng danh mục hàng hóa theo giấy phép nhập khẩu được cấp trước đó là có thể thông quan.

Đối với các dự án công nghệ cao, nhà nước Việt Nam đang có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Thuế suất thuế thu nhập DN được áp dụng mức ưu đãi 10% trong vòng 15 năm, miễn 4 năm và giảm trong 9 năm tiếp theo. Khi nhà đầu tư áp dụng công nghệ cao ở nước ngoài đưa vào các DN tại Việt Nam, lợi nhuận chuyển về nước không chịu thêm khoản thuế nào” - Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Thị Lệ Nga

Trước những thắc mắc của DN về khâu kiểm tra hàng hóa, ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cảnh báo, DN nên cảnh giác khi làm thủ tục hải quan qua “cò”. Làm thủ tục hải quan thông qua “cò” có thể bị lợi dụng, mất chi phí “oan”.

Bởi vì, có thể thủ tục đó cơ quan hải quan không yêu cầu DN phải thực hiện nhưng các “cò” dịch vụ vẫn vẽ ra để moi tiền DN. Khẳng định điều kiện thông quan nhanh cho DN, ông Thắng cho biết, tại cửa khẩu hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài lực lượng hải quan còn có các lực lượng chuyên ngành khác sẵn sàng hỗ trợ DN thông quan hàng hóa một cách nhanh chóng nhất.

Ngoài ra, hải quan thành phố còn ký với 16 đơn vị quản lý chuyên ngành về kiểm tra hàng hoá. “Các thủ tục kiển tra chuyên ngành chiếm 30% thời lượng thông quan hàng hoá. Điều này vô hình chung gây khó khăn cho DN. Chính vì thế mà hải quan thành phố đã làm việc với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để kiến nghị các giải pháp giảm số lượng hàng phải kiểm tra, đẩy nhanh thời gian kiểm nghiệm, tạo sự thuận lợi hơn cho DN” - ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh.

Các DN, kiều bào cần nắm rõ Nghị định 187 của Chính phủ về ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời hàng hóa xuất, nhập khẩu có điều kiện cần phải xin phép cơ quan chuyên ngành. Từ ngày 1/9 tới đây, khi kiều bào về nước làm ăn, nhập máy móc thiết bị nhà xưởng cần đặc biệt lưu ý thông tư 20/20014/TT-BKHCN của Bộ KHCN về quy định nhập khẩu hàng hóa máy móc đã qua sử dụng, máy móc phải được dùng không quá 5 năm, và còn giá trị thiết bị đó phải còn từ 80% trở lên và được cơ quan chuyên ngành do Bộ KHCN chỉ định xác định giá trị thì mới được nhập về nếu không đủ điều kiện trên thì sẽ rơi vào danh mục hàng cấm” - Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP HCM đề nghị.

Thanh Giang