Thiếu chế tài xử phạt thịt bẩn

Thanh Giang 24/08/2015 11:35

Thời gian qua tình hình vệ sinh an toàn đối với thực phẩm tươi sống có chuyển biến một phần hạn chế được tình trạng thịt heo chết, thịt heo thối tuồn ra thị trường. Song vấn đề heo bị bơm chất cấm, cho ăn tăng cường tạo nạc… lại đang gây lo ngại cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.

1.000 vụ vi phạm trong 6 tháng

Theo Chi cục Thú y TP HCM, trung bình một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 72 - 80 tấn thịt gia súc từ các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… Do lượng thịt nhập khẩu từ các tỉnh khá lớn nên việc quản lý chất lượng hàng hóa có phần khó khăn hơn. Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, mới đây Chi cục Thú y TP HCM tiến hành lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP HCM để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy, tình trạng heo sử dụng chất cấm vẫn không thuyên giảm, trong đó nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai - nơi được mệnh danh là thủ phủ của ngành chăn nuôi cả nước với khoảng 1,5 triệu con heo. Qua tiến hành kiểm tra 8 cơ sở giết mổ ở TP HCM, kết quả cũng cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tạo nạc, tăng trọng… đang ở mức báo động.

Nỗi lo lắng đối với heo sử dụng chất cấm càng gia tăng hơn khi Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 98 trang trại, phát hiện 17 trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Huỳnh Tấn Phát- Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM cho biết, chất cấm được phát hiện trong đợt kiểm ra vừa qua là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist chất tăng trọng, tạo nạc được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong những chất kể trên thì salbutamol, clenbuterol và ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việc sử dụng các loại chất này tồn dư trong thịt gây ra hội chứng ngộ độc cho người sử dụng bao gồm các triệu chứng như: tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn...

Tình trạng heo nhiễm bệnh, heo bơm nước liên tục âm thầm “tuồn” vào thành phố và hàng ngày người tiêu dùng vẫn tiêu thụ hết lượng thịt bẩn. Thực phẩm bơm nước phát hiện từ 15 năm nay, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng. Chi cục Thú y TP HCM cho hay, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015 Chi cục xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 24 tấn thịt heo “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kinh doanh. Riêng về gia cầm, phát hiện và xử lý hơn 1 tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy chứng nhận kinh doanh, có biểu hiện biến màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối...

Siết chặt quản lý

Để hạn chế, ngăn chặn thịt “bẩn” tuồn ra các chợ trên địa bàn thành phố, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP HCM từng yêu cầu, các Sở ngành, quận – huyện cần tăng cường lực lượng chống vi phạm, thành lập đội xử lý nhanh nhằm tẩy chay thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Thành phố sẽ xử lý những Sở - ngành, quận – huyện không thực hiện nghiêm vấn đề này.

“Về lâu về dài thành phố lên kế hoạch xử lý nghiêm với ATVSTP. Quy hoạch tập trung các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để quản lý từ gốc. Lãnh đạo thành phố phối hợp với các tỉnh thành tăng cường kiểm tra”- ông Tất Thành Cang cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, thành phố quyết liệt ngăn chặn các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ lạc hậu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, cơ sở giết mổ - cung ứng thực phẩm quy mô theo dây chuyền công nghiệp hoạt động. Song song đó, thành phố còn chủ động kết nối với các địa phương vệ tinh để phối hợp quản lý và cung ứng nguồn thịt sạch cho thành phố.

Chi cục Thú y TP HCM tăng cường kiểm soát, kiểm tra các loại thịt gia súc, gia cầm ngay từ các cửa ngõ vào TP. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bàn về công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống, ông Huỳnh Tấn Phát bày tỏ lo ngại, thời gian tới khi dự thảo Luật Thú y sẽ không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh và thịt ngoại thì các loại thịt này sẽ thoải mái lưu thông. Điều này vô hình trung, công tác quản lý bị buông lỏng vì ngành thú y sẽ không còn đủ công cụ để quản lý và người tiêu dùng sẽ phải chật vật với cuộc chiến chống thịt bẩn.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, hiện nay chưa có quy định xử lý đối với lợn, bò bơm nước chưa kịp giết mổ. Như vậy, cần phải có quy định xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với việc bơm nước vào gia súc vì nguy cơ nguồn nước bơm vào heo, bò bị nhiễm bẩn rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh Giang