Công bằng với những người đã nộp phí đường bộ
Sau khi quyết định dừng thu phí từ 1/1/2016 được chấp thuận, cần bảo đảm công bằng cho những người dân đã chấp hành nghiêm túc việc nộp phí đường bộ. Dù số thu phí trong 6 tháng đầu năm đạt rất thấp, song nếu không hoàn trả khoản phí này cho những người đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật thì lại khiến họ chịu thiệt thòi.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lên tiếng đề nghị dừng thu phí đường bộ với xe máy, mới đây, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi Văn phòng chính phủ đề xuất dừng thu khoản phí này từ ngày 1/1/2016.
Nguyên nhân là do, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy, hiệu quả rất thấp.
Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng 21% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2015 thậm chí chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm. Trên thực tế, dù mức thu phí đường bộ với mô tô chỉ ở mức 70.000đ/xe/năm, nhưng việc thu khoản phí này không hề đơn giản. Có địa phương thực hiện thu phí nghiêm túc, nhưng cũng có địa phương chưa thu hoặc dừng thu phí, tạo nên sự thiếu công bằng.
Tại văn bản kiến nghị dừng thu phí, Bộ Tài chính cho rằng, môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng phương tiện không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí. Mặt khác, chế tài xử phạt khi thực hiện thu khoản phí này còn hạn chế, nên nhiều chủ xe không nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện.
Khoản phí đường bộ 70.000 đồng/xe máy mỗi năm không nhiều. Thế nhưng, việc một chiếc xe máy hiện nay đang phải gánh khá nhiều khoản phí, như: phí xăng dầu, phí môi trường thì việc thu thêm khoản phí đường bộ cũng sẽ khiến túi tiền của người dân thêm eo hẹp. Việc giảm bớt gánh nặng về thuế, phí cho người dân là điều cần thiết, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng có người nộp, người không nộp, hoặc có nộp nhưng không đúng với số lượng xe đang sử dụng...
Tuy nhiên, sau khi quyết định dừng thu phí từ 1/1/2016 được chấp thuận, việc bảo đảm công bằng cho những người dân đã chấp hành nghiêm túc việc nộp phí đường bộ cũng cần được các ngành chức năng tính đến. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2015, dù số thu từ khoản phí này đạt rất thấp so với dự kiến, song nếu không hoàn trả khoản phí này cho những người đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật thì lại khiến họ chịu thiệt thòi.
Thực tế từ việc thu phí đường bộ không thành công, tạo sự không đồng thuận trong dư luận cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm. Bởi một chính sách sau khi ban hành ngoài việc tính toán kỹ lưỡng những ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng cần tính đến phương án thực hiện nhằm đưa quy định mới vào cuộc sống.
Việc triển khai thu quỹ đường bộ giao cho các địa phương là cơ quan thực hiện, nhưng không đạt hiệu quả ngay từ vòng 1 khi có nhiều địa phương ngừng thu hoặc không thu khoản phí này. Chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe cũng góp phần khiến quy định thu phí đường bộ buộc phải dừng lại để tạo sự công bằng cho những người đã đóng phí.
Quy định bất cập thì hủy bỏ để tạo sự đồng thuận với người dân là điều cần thiết phải thực hiện, song đây cũng là bài học kinh nghiệm quý giá để các ngành chức năng rút kinh nghiệm nhằm không lặp lại những thất bại tương tự.