Bất động sản phía Nam 'săn' khách ngoại
Sau gần 2 tháng quy định người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, không ít doanh nghiệp (DN) BĐS chính thức bắt đầu cuộc đua đáp ứng nhu cầu phân khúc “thượng đế” mới. Diễn biến thị trường gần đây ghi nhận nhiều thành công trong giao dịch nhà ở với đối tượng là người nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế bất động sản (BĐS) nhận định, quy định cho người nước ngoài, Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ là động lực lớn thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh. Nhằm đón gió lượng lớn khách hàng ngoại tiềm năng các DN BĐS chính thức tham gia cuộc “chạy đua” mới.
Theo đó, nhiều dự án được DN lên kế hoạch thực hiện theo kiểu đi tắt đón đầu. Chính vì vậy, ngay khi Luật Nhà ở năm 2014 chính thức có hiệu lực, DN BĐS thi nhau chào hàng “săn” khách. Dấu hiệu đầu tiên để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng nước ngoài phải kể đến hai “ông lớn” Vingroup và Novaland.
Hai DN này chọn đúng ngày 1/7 để tung hàng đón khách. Vingroup mở bán Vinhomes Central Park dành cho khách nước ngoài và Việt kiều tại TP HCM và Hà Nội. Ngay sau khi chào hàng, sản phẩm cao cấp của đại gia BĐS lừng danh thu hút sự tham gia của 112 khách hàng ngoại và Việt kiều.
Tương tự, Novaland cũng triển khai ngay chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón Việt kiều và người nước ngoài” tại 4 dự án The Sun Avenue (quận 2), The Botanica (quận Tân Bình), Lucky Palace (quận 6), Sunrise CityView (quận 7) do Novaland đầu tư và phát triển. Đến nay chương trình này đã hoàn tất.
Ghi nhận thực tế từ thị trường có thể thấy, ngay sau khi chào hàng một số dòng sản phẩm như chung cư cao cấp, căn hộ theo hướng nghĩ dưỡng đáp ứng tốt nhu cầu cơ sở hạ tầng, kết cấu, không gian… của “thượng đế” người nước ngoài và Việt kiều.
Ông JonhCann, chuyên gia đến từ Thụy Sỹ, làm việc tại khu công nghệ cao TP HCM chia sẻ: “Tôi và gia đình đã đến sinh sống tại Việt Nam được 6 năm. 6 năm qua tôi thật sự yêu thích và muốn gắn bó với nơi đây. Tháng 7 vừa rồi khi pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, ngay lập tức tôi tìm kiếm ngôi nhà cho gia đình. Tiêu chí của gia đình tôi là không gian sống xanh và cao cấp”.
Mặc dù chính sách nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều có hiệu lực, DN BĐS lên kế hoạch cho lượng khách tiềm năng trên. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thị trường chỉ có vài dự án tung ra thị trường đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Riêng những dự án đầu tư trước đây không phù hợp. Đây cũng chính là lý do tại sao thị trường mới ghi nhận một số lượng nhỏ khách nước ngoài và Việt kiều “rót vốn”. Không chỉ vướng mắc ở sản phẩm BĐS không đáp ứng nhu cầu mà bản thân chính sách có phần hạn chế.
Nhìn nhận từ thực tế khi áp dụng quy định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, một doanh nhân người Nhật Bản mong muốn: “Cộng đồng người Nhật rất muốn mua nhà tại Việt Nam để sinh sống và làm việc lâu dài. Tuy nhiên, nghị định có nhiều hạn chế. Cụ thể, trong một tòa nhà chỉ cho người nước ngoài mua khoảng 30%, như vậy khá bất hợp lý. Nếu được thì lên nâng tỷ lệ sở hữu này lên từ 40 - 50%. Song song đó, các nhà làm luật của Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa nhằm để người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.
Ý kiến về chính sách cho người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà ở, Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, thành phố có khoảng 30 ngàn CEO cấp cao là người nước ngoài đang làm việc. Ngoài ra, còn có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật, 1.200 người Đức… cùng một lượng lớn người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam chứng tỏ nhu cầu thuê, mua nhà ở là hoàn toàn có thật. H
iệp hội BĐS mong muốn, cơ quan hữu quan sớm có văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về xác nhận nguồn gốc người Việt Nam ở nước ngoài; kỹ thuật trong chuyển khoản mua – bán;… tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà, cũng như thúc đẩy thị trường BĐS phát triển hơn.