Giám sát vật tư nông nghiệp: Trách nhiệm với người tiêu dùng

Phạm Hưởng 25/08/2015 06:05

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giai đoạn 2014-2020), ngày 24/8, Đoàn công tác giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Giám sát vật tư nông nghiệp: Trách nhiệm với người tiêu dùng

Phó chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại buổi giám sát.

Theo ông Lê Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện những năm qua cùng với sự ổn định dân cư, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị, năng suất sản phẩm nhằm cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì vấn đề kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho bà con nông dân cũng như các ngành chức năng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 31 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép kinh doanh. Liên quan đến vấn đề quản lí, giám sát hoạt động kinh doanh nhiều nông dân hiện nay còn băn khoăn hoài nghi về việc xử lí các cơ sở vi phạm, chế tài của Nhà nước chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất chấp vi phạm pháp luật chạy theo lợi ích mà quên đi quyền lợi của người nông dân.

Sáng cùng ngày, đoàn giám sát đã chia thành hai nhóm công tác tại 2 xã Ia Phang và Ia H’rú. Theo báo cáo của UBND xã Ia Phang toàn xã hiện có 4 cơ sở đang kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra giám sát đã phân loại có 3 cơ sở loại A, 1 cơ sở loại B, trong đó nhiều cơ sở còn chưa quan tâm đến công tác bảo quản sản phẩm.

Dù vậy đoàn giám sát đánh giá cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, từ các chứng chỉ hành nghề đến nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm đều theo qui chuẩn hợp qui. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thành viên trong đoàn còn bày tỏ lo ngại về việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức trong nông nghiệp hiện nay. Sau khi sử dụng người nông dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường, bao bì, vỏ chai còn vứt bừa bãi rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước...

Theo ông Đoàn Quang Hoang, chủ cơ sở kinh phân bón, thuốc BVTV Hoan Vân cho biết, việc kinh doanh phân bón hiện nay gặp rất khó khăn bởi nhiều sản phẩm có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng nhưng người dân chê vì giá cao nhưng lại đi mua những sản phẩm mà ngay cả chủ cơ sở kinh doanh và bản thân người nông dân cũng không tin tưởng nên vô tình tiếp tay cho phân bón giả, kém chất lượng có đất để hoạt động.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho rằng, còn nhiều khó khăn trong quá trình giám sát vật tư nông nghiệp. Hiện nay, chủng loại vật tư nông nghiệp rất đa dạng, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp rất lớn, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khó quản lý; đặc biệt nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng với thủ đoạn tinh vi rất khó phát hiện.

Đánh giá về cuộc giám sát lần này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận vai trò quan trọng của nông dân trong việc giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp bởi người nông dân vừa là người sử dụng sản phẩm vật tư nông nghiệp, vừa tiếp xúc hàng ngày với hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở nên họ sẽ là tai mắt trong việc phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời phản ánh các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng…

Các huyện, thị xã, thành phố sẽ thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân, từ cán bộ giám sát. Khi người dân phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức Hội Nông dân, MTTQ các cấp sẽ có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin đến các cơ quan thẩm quyền của ngành nông nghiệp, ngành công thương để xử lý vi phạm.

Phạm Hưởng