Công tác kiều bào: Đoàn kết, gắn bó bà con với Đất Mẹ
LTS: Nhân Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 70 năm ngày truyền thống ngành ngoại giao, Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Vũ Hồng Nam về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu nhi Việt kiều trong trang phục dân tộc
cùng cha mẹ đi đón Bác Hồ tại sân bay Bourget ngày 22-6-1946
Bác Hồ- Người trực tiếp thành lập các tổ chức của kiều bào
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được hình thành từ những ngày đầu cách mạng và luôn gắn liền với các nhiệm vụ then chốt trong các thời kì xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ trước năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đã tích cực tạo lập cơ sở, xây dựng tổ chức ở nước ngoài để phục vụ cho cách mạng trong nước. Năm 1919, Người đã lập “Nhóm người An Nam yêu nước”, tiền thân của phong trào Việt kiều yêu nước rộng khắp tại Pháp và Hội người Việt Nam tại Pháp sau này. Năm 1924, cùng một số đồng chí khác, Người đã thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), rồi tiếp đó thành lập các chi hội ở Thái Lan. Năm 1928, Người đã trực tiếp đến Thái Lan để vận động bà con kiều bào, trực tiếp lãnh đạo tổ chức và phong trào Việt kiều yêu nước tại đây.
Năm 1945, đất nước giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều dịp kêu gọi, động viên đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, tranh thủ nhân dân sở tại, ủng hộ đất nước. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kéo dài suốt 9 năm (1946 - 1954), đồng bào ta ở nước ngoài đã nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến theo nhiều hình thức khác nhau. Tại Thái Lan, phong trào yêu nước của Tổng Hội Việt kiều cứu quốc hoạt động rất mạnh, phối hợp chặt chẽ với trong nước. Hơn 6.000 Việt kiều Thái Lan trực tiếp tham gia kháng chiến trong lực lượng vũ trang tại mặt trận Lào. Tại Pháp, kiều bào ta đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau, vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.
Nghe theo tiếng gọi non sông
3600 DN kiều bào với số vốn 8,6 tỷ đô la đầu tư về nước Số lượng NVNONN về nước thăm thân, du lịch, làm ăn, đầu tư, kinh doanh, hoạt động nhân đạo, từ thiệnngày càng tăng, luôn duy trì ở mức 400.000-500.000 lượt người mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua. Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Hiện có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỷ USD. Số lượng kiều hối những năm gần đây đạt hơn 10 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 1/10 GDP, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán của đất nước. Cùng với thế đi lên và sự phát triển của đất nước, chúng ta hết sức vui mừng trước sự phát triển của cộng đồng 4,5 triệu NVNONN sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, có cuộc sống ngày càng ổn định và thành đạt, có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội sở tại và quê hương Việt Nam, được quốc gia, nhân dân sở tại và Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao. |
Nhiều trí thức kiều bào theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến như Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Hân, Võ Đình Quỳnh, Đặng Văn Ngữ ...
Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, để đáp ứng nguyện vọng của kiều bào là được trở về quê hương xây dựng đất nước, tháng 11-1959, Ban Việt kiều Trung ương đã được thành lập (tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay) với nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo công tác hồi hương của Việt kiều, chủ yếu từ Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới, đồng thời vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài. Ngày 10-1-1960, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng để trực tiếp đón chuyến tàu đầu tiên đưa những người con xa xứ trở về Đất Mẹ, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của Người cũng như của Đảng và Chính phủ đối với những người Việt sống xa quê hương bao năm qua. Từ giữa những năm 60, cùng với nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đẩy mạnh các hoạt động yêu nước, trong đó có phong trào phản đối chiến tranh, nòng cốt là lực lượng cốt cán, sinh viên du học tại các nước tư bản phát triển. Kiều bào ở nước ngoài cũng là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân và chính giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Nhìn chung, giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là vận động kiều bào tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định dưới các hình thức mít tinh, lấy chữ ký vận động nhân dân và dư luận sở tại, chống đàn áp những người kháng chiến... Nhiều trí thức và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được góp phần xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.
Từ sau năm 1975, công tác vận động cộng đồng tập trung huy động kiều bào tham gia vào công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa xây dựng vừa bảo vệ đất nước; đồng thời, chống bao vây cấm vận và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Các Hội Việt kiều yêu nước tại nhiều nước phát triển mạnh thu hút đông đảo kiều bào tham gia. Nhiều trí thức Việt kiều đã về nước trao đổi, giảng dạy, giới thiệu công nghệ mới. Nguồn kiều hối, hàng hoá do kiều bào gửi về đã góp phần giảm bớt những khó khăn trong nước.
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với nhiệm vụ phát huy sức mạnh của toàn dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đây cũng là thời gian mà bộ máy tổ chức cũng như chức năng của Ban Việt kiều Trung ương được kiện toàn. Tháng 7-1994, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập thay thế cho Ban Việt kiều Trung ương và tháng 11-1995 Chính phủ đã ra Nghị định số 77/CP đặt Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Bác Hồ đón kiều bào Thái Lan về nước năm 1960
Kiều bào luôn là bộ phận không thể tách rời của dân tộc
Trong công tác xây dựng chính sách, đổi mới quan trọng hàng đầu là việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993) và lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết công khai về công tác này (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004).
Các Nghị quyết nêu trên có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết chỉ rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kiều bào trong khối đại đoàn kết dân tộc khi khẳng định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, đồng thời coi công tác đối với NVNONN “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”. Cơ sở, mục tiêu, con đường và cách thức thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc cũng được xác định hết sức rõ ràng: “Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và “Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của tình hình mới và với những nội dung hết sức hợp với lòng dân, Nghị quyết được đồng bào trong nước và đại đa số kiều bào ta ở nước ngoài đồng tình, hưởng ứng và thực hiện.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, những quan điểm cơ bản của Nghị quyết 36, chứng minh hết sức sinh động trong thực tiễn, một lần nữa được khẳng định lại trong các văn kiện của Đại hội, làm cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động và được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013. Điều này đã tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc cho sự nghiệp đại đoàn kết, tập hợp đồng bào cả trong và ngoài nước cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam vượt qua mọi thách thức, trường tồn và không ngừng phát triển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Đoàn đại biểu kiều bào về dự
Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất năm 2013
Đột phá chính sách, xóa bỏ rào cản
Chỉ thị 45 là bươc tiếp nối, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi cần được tăng cường, đẩy mạnh nhằm phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân, vì sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36, ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, đặt trọng tâm vào 10 nội dung công tác cụ thể. |
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36, với nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành và các địa phương, việc phát huy sức mạnh của kiều bào trong khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp chung đã thu được những thành quả quan trọng. Nhiều chính sách mới mang tính đột phá và thông thoáng, cơ bản xóa bỏ các rào cản phân biệt giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thân của kiều bào trên các vấn đề quốc tịch, đất đai, nhà ở, miễn thị thực, đầu tư, ngoại hối, cư trú, hồi hương…, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng NVNONN ở tất cả các địa bàn, tăng thêm mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước, đưa nhận thức NVNONN là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” ngày càng đi vào thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, các hoạt động lớn dành cho kiều bào diễn ra ngày một thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, tạo mọi điều kiện để kiều bào tham gia các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, gắn bó với cội nguồn, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, được nhiều thế hệ kiều bào ở khắp các địa bàn sôi nổi hưởng ứng. Kiều bào được tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X và XI, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc tịch năm 2008…; nhiều ý kiến phản biện tâm huyết và có giá trị khoa học thực tiễn của trí thức kiều bào về các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế-xã hội, chủ quyền lãnh thổ và quốc kế dân sinh được chuyển tới Lãnh đạo cấp cao và các cấp có thẩm quyền. Đại biểu kiều bào tiêu biểu được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Nhiều hoạt động phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào được tiến hành thường xuyên như hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức người Việt về nước làm việc, tổ chức các hội thảo chuyên ngành tại Việt Nam; tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nhân trong và ngoài nước…
Bảo hộ và hỗ trợ NVNONN ngày càng trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại. Chúng ta đã chủ động và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của bà con, nhất là trong những thời điểm cộng đồng gặp nhiều khó khăn; quan tâm đặc biệt những địa bàn kiều bào chưa có được cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, chúng ta đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hội đoàn nhằm xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về quê hương. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm đáp ứng đời sống tinh thần của kiều bào được tổ chức thường xuyên hơn đi kèm với việc hỗ trợ các trung tâm văn hóa của cộng đồng một cách hiệu quả; nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng được quan tâm thích đáng.
Thế hệ trẻ kiều bào được quan tâm đặc biệt với nhiều hoạt động thường xuyên, hướng về cội nguồn để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó, yêu mến quê hương. Để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ và cho cả cộng đồng, công tác tiếng Việt được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như cử giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, hỗ trợ xây dựng trường lớp, tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt…
Trước những khát khao của kiều bào muốn biết những đổi thay về mọi mặt ở quê nhà, bằng nhiều kênh và các chương trình truyền thông, thông tin phong phú, hấp dẫn dành riêng cho kiều bào, chúng ta giúp cộng đồng NVNONN thường xuyên được cập nhật những thông tin chính xác, kịp thời, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tình hình biển đảo, biên giới, lãnh thổ, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền con người, tự do tôn giáo… giải tỏa những tâm tư, băn khoăn thắc mắc của cộng đồng. Chúng ta quan tâm, tạo điều kiện các phóng viên báo chí người Việt Nam ở nước ngoài về nước tác nghiệp, hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông trong nước, truyền tải các thông tin khách quan về tình hình phát triển đất nước tới bà con kiều bào.
Trên cơ sở lấy lợi ích dân tộc làm điểm tương đồng, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đã quan tâm giải quyết một số vấn đề do lịch sử để lại như dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); giúp bà con tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân chết trong thời gian cải tạo… Tất cả các hoạt động này đã tác động tích cực đến cộng đồng cũng như dư luận trong và ngoài nước, bà con dần hiểu hơn, tin tưởng hơn vào chính sách của Nhà nước ta.
Xu thế đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành nguyện vọng chung của hầu hết người Việt Nam yêu nước. Bất cứ ai cũng có quyền về quê hương đất mẹ để thăm lại cố hương, nhớ lại tuổi thơ yên bình, gặp lại người thân, thắp nén nhang cho người thân đã khuất, không có gì cản trở những ý nguyện tốt đẹp của bất cứ ai đối với đất nước mình.
Cùng với việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đối với NVNONN, truyền thống tốt đẹp gắn bó với quê hương của kiều bào ngày càng được phát huy với nhiều biểu hiện sinh động như các nghĩa cử giúp đỡ nhân dân trong nước khi gặp thiên tai, dịch bệnh; cùng lên tiếng và kề vai, sát cánh với đồng bào trong nước trước các diễn biến, nguy cơ xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông; tích cực đầu tư, gửi kiều hối về nước nhằm “ích nước, lợi nhà”; về nước làm việc, tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác khoa học…
Số lượng NVNONN về nước thăm thân, du lịch, làm ăn, đầu tư, kinh doanh, hoạt động nhân đạo, từ thiện ngày càng tăng, luôn duy trì ở mức 400.000-500.000 lượt người mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua. Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Hiện có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỷ USD. Số lượng kiều hối những năm gần đây đạt hơn 10 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 1/10 GDP, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán của đất nước.
Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi cần được tăng cường, đẩy mạnh nhằm phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân, vì sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36, ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, đặt trọng tâm vào 10 nội dung công tác cụ thể.
70 năm ngày thành lập nước, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu bị tàn phá trong chiến tranh, nay Việt Nam đã thoát khỏi nỗi ám ảnh của đói nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình và quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Từ một nước bị bao vây, cô lập, nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và có uy tín cao trong khu vực và thế giới. Cùng với thế đi lên và sự phát triển của đất nước, chúng ta hết sức vui mừng trước sự phát triển của cộng đồng 4,5 triệu NVNONN sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, có cuộc sống ngày càng ổn định và thành đạt, có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội sở tại và quê hương Việt Nam, được quốc gia, nhân dân sở tại và Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao.
Tự hào về truyền thống 70 năm của ngành Ngoại giao, chúng ta nhận thức rõ công tác đối với NVNONN là một trong các trọng tâm chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời khẳng mối quan hệ tương tác, gắn bó không thể tách rời của công tác này trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, để phấn đấu tiếp tục đưa công tác về NVNONN tiến lên một giai đoạn mới, với những nhiệm vụ mới, trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhưng đầy vinh quang vì một cộng đồng NVNONN phồn thịnh và vững mạnh.