Nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Ngày 25/8, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được về kinh tế xã hội, Việt Nam có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Việt Nam đã thể hiện sự cam kết quốc tế về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và được Liên hợp quốc công nhận là nước hoàn thành sớm một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, năng lực và sự cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ thì tỷ lệ nữ tham gia chính trị chưa thực sự tương xứng. Thậm chí, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm gần 3% kể từ năm 2002, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp chưa đạt 30%, nữ giữ vị trí đứng đầu trong Thường trực HĐND và UBND dưới 10%.
Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH xác định: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng” và đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định: Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ Hội đang từng bước nỗ lực cố gắng để giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn đặt ra, trong đó có nhiệm vụ làm thế nào để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo và nâng cao tiếng nói của phụ nữ trên chính trường.
“Những ý kiến chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của đại biểu tham dự hội thảo là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia có các chính sách can thiệp để đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam, đặc biệt là có những chính sách, cơ chế, quy định thúc đẩy bình đẳng giới, đạt chỉ tiêu nữ đại biểu Quốc hội, HĐND trong kỳ bầu cử năm 2016” - bà Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định.