Chuẩn bị nhân lực cho hội nhập

Lam Hồng - Lê Anh 26/08/2015 09:05

Ngày 25/8, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cơ hội và thách thức cho thị trường lao động TP HCM”. Giới chuyên mốn cảnh báo, nguồn lao động TP HCM sẽ gặp phải khó khăn trong bối cảnh hội nhập.

Chuẩn bị nhân lực cho hội nhập

Lao động cần phải bổ sung nhiều kỹ năng trước khi Việt Nam
gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ảnh:L.Hồng

Trước tình hình này, TS Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: “Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu đội ngũ lao động trong nước cần cù, chịu khó, học hỏi, giá rẻ… trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm.

Khi cho phép luân chuyển 8 ngành nghề khi mà tới đây Việt Nam đứng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng bị thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn ngoại ngữ, nếu người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này sẽ bị thua ngay trên sân nhà”.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cảnh báo, có nhiều vấn đề phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn lao động trong nước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay. Viện đang tập trung nghiên cứu để có tham mưu cho UBND TP để có những giải pháp cụ thể để đáp ứng nhu cầu hội nhập.

ThS Lưu Đình Vinh - Trường Cao đẳng kinh tế TP HCM chỉ ra năng suất lao động và kỹ năng lao động là “điểm nghẽn” nguồn nhân lực TP.HCM khi nhập AEC. Theo công bố của Tổ chức lao động Quốc tế thì năng suất lao động Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội.

Tại TP HCM, những khảo sát của các tổ chức Quốc tế cho thấy kỹ năng tiếng Anh của người lao động ở mức trung bình thấp. Mỗi năm, TP có khoảng 55.000 sinh viên và học viên ra trường nhưng phần đông khó tìm được việc làm do thiếu kỹ năng mềm, yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Được biết, nguồn nhân lực bậc cao của TP mới đáp ứng 30-40% nhu cầu.

Chuyên gia thuộc Trung tâm WTO TP HCM – Phạm Bình An cho rằng, đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng dần khu vực công nghiệp và dịch vụ. Do đó, lực lượng lao động trong khu vực DN nhà nước có xu hướng giảm do tái cơ cấu DN và cổ phần hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bối cảnh này đòi hỏi số lao động qua đào tạo ngày càng có chất lượng hơn.

Theo chuyên gia này, ngay cả các đối tượng lao động kế cận là các sinh viên, thanh niên chuẩn bị ra trường cũng đang phải thích nghi với các xu hướng mới về nhân lực, kể cả xu hướng hướng nghiệp mới để chuẩn bị cho hội nhập.

Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học cảnh báo, hiện cung cầu lao động lớn, nhưng đa số là lao động phổ thông nên buộc lao động trong nước phải tự vận động, tự vươn lên chiếm lĩnh tri thức và để thích nghi cạnh tranh về nhân lực.

Nhiều đại biểu kiến nghị, để định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP HCM cần hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện của học sinh, người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp là năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

Giải pháp được khuyến nghị là TP HCM nên tổ chức điều tra tổng thể nguồn nhân lực của thành phố; đánh giá chính xác thực chất trình độ, khả năng hội nhập của lao động trong nước; tăng cường nâng cao nhận thức về vấn đề hội nhập trong DN, người lao động và các cơ sở đào tạo, từ đó xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu.

Lam Hồng - Lê Anh