Ấn tượng gốm Việt tại Bảo tàng nước Pháp
Bảo tàng Guimet tại Paris (Pháp) là một địa chỉ hàng đầu không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu các nền nghệ thuật châu Á. Bảo tàng hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập độc nhất vô nhị về nghệ thuật châu Á. Mới đây, trong chuyến tham quan Bảo tàng Guimet, chúng tôi đã thực sự ngỡ ngàng và ấn tượng với những tác phẩm gốm cổ Việt đang được trưng bày tại đây.
Đối với nhiều người, Bảo tàng Guimet là con đường ngắn nhất để đến với châu Á. Sở hữu từ các tượng Phật Afghanistan đến tượng các nhà sư Nhật Bản, từ những tấm vải mang đặc trưng Ấn Độ đến vũ khí của các võ sĩ đạo, từ các kho báu kiến trúc Angkor của người Khmer đến những nghệ thuật tạo hình tinh xảo Trung Hoa…, Musée Guimet được coi là bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á bên ngoài châu Á.
Hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ khi được nhà sưu tầm Emile Guimet thành lập năm 1889 cho đến nay, bảo tàng này không ngừng bổ sung, giúp các bộ sưu tập thêm phong phú, đa dạng. Hiện nay, với khoảng 50.000 hiện vật, bộ sưu tập của Bảo tàng Guimet đa dạng về thời kỳ và khá đầy đủ về nghệ thuật của châu Á. Bảo tàng Guimet có nhiều phòng trưng bày để giới thiệu hiện vật theo chủ đề và các quốc gia riêng biệt.
Việt Nam nằm trong phần trưng bày về Đông Nam Á. Những cổ vật Việt được trưng bày rất trang trọng ngay tầng 1. Với chiếc trống đồng Đông Sơn (trống Sông Đà - Heger I) đặt chính giữa, bên trái là tủ trưng bày một số di vật thuộc văn hoá Đông Sơn và Hán. Sưu tập gốm men thời Lý - Trần nổi bật ở đây là đồ gốm hoa nâu. Những tiêu bản mang nét độc đáo của nghệ thuật gốm cổ mang đậm dấu ấn Việt, với nhiều loại hình đẹp và quí hiếm như sưu tập thạp, sưu tập ấm… được trang trí nhiều hoa văn như chim, cá, hoa sen, hoa dây…
Một số tác phẩm gốm Việt tại Bảo tàng Guimet
Một trong những sưu tập đồ gốm Việt khá ấn tượng trưng bày tại đây là nhóm hiện vật gốm hoa lam. Với những nét đặc sắc về dòng men, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, mang đặc trưng của dòng gốm cổ Chu Đậu. Trong số các hiện vật gốm hoa lam, nổi bật nhất là chiếc đĩa lớn nhiều màu vẽ hình cá chép hóa long giữa lòng đĩa, bao quanh là các băng hoa dây chạy vòng xung quanh. Trong sưu tập này còn có chiếc đĩa men lam vẽ song ngư (cá chép ta mình dài, có râu) giương vây bơi nối đuôi nhau giữa các khóm cỏ thủy sinh và những con nòng nọc - cảnh thường thấy trên khắp đồng ruộng, ao hồ Việt Nam.
Về nguồn gốc sưu tập đồ gốm hoa lam trưng bày tại đây, chúng tôi cho rằng từ khu lò gốm Chu Đậu. Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của Việt Nam ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men.
Với sưu tập hiện này, từ kiểu dáng, kích thước cho đến trang trí là một minh chứng đỉnh cao của dòng gốm hoa lam. Những đề tài trang trí ở đây thể hiện tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Qua những đề tài thể hiện trên trang trí trên nhóm đĩa hoa lam đang được trưng bày tại một bảo tàng danh tiếng ở nước Pháp, khách tham quan sẽ hình dung về một vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam thời Lê sơ thế kỷ XV, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á thời bấy giờ.