Hết thí điểm, Thừa phát lại sống bằng gì?
Ngày 25/8, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.
Ảnh minh họa.
Nguồn: sotuphap.hochiminhcity.gov.vn
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội trong Kỳ họp lần thứ 10 tới khẳng định, nhìn chung thời gian qua, việc thực hiện chế định Thừa phát lại được triển khai khá nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại, lập các văn phòng Thừa phát lại, đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Đến nay, ngoài TP HCM đã thực hiện thí điểm được 5 năm, có thêm 12 địa phương khác trong diện mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại đều đã có văn phòng Thừa phát lại, với các trang thiết bị được đầu tư khá bài bản, đảm bảo đáp ứng tốt công việc.
Tổng số 13 địa phương thí điểm có 53 văn phòng Thừa phát lại với tổng số nhân viên là 643 người (trong đó Thừa phát lại là 134, Thư ký Thừa phát lại là 295 và 214 nhân viên khác), riêng TP HCM có 11 văn phòng, 12 địa phương còn lại có 42 văn phòng.
Cũng theo Dự thảo Báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/7, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu hơn 119 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tổng doanh thu của các văn phòng Thừa phát lại, chủ yếu vẫn là công tác tống đạt quyết định (chiếm 50,64%), kế đến là lập vi bằng (43,35%), còn lại 5,8% là các hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Nhìn chung, việc thực hiện chế định Thừa phát lại có tác động tích cực tới các hoạt động tư pháp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn, công tác Thừa phát lại thực chất không mới ngay cả với Việt Nam (miền Bắc trước 1954 và miền Nam trước 1975) cũng như trên thế giới. Song, hiện nay chúng ta mới đang thực hiện thí điểm, lại khá lúng túng. So với yêu cầu quá lớn của thực tiễn thì công tác xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án còn rất “khiêm tốn”.
Việc lập vi bằng thực chất là chứng thực có mở rộng thêm đôi chút. Điều đáng nói là nhiều người dân, thậm chí là cán bộ, công chức, viên chức nếu không tìm hiểu cũng không hiểu từ Thừa phát lại nghĩa là gì, có chức năng nhiệm vụ ra sao. Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị nghiên cứu thay tên Thừa phát lại bằng một cái tên thuần Việt, nhưng vẫn đảm bảo 4 chức năng nhiệm vụ như hiện nay.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang, với kinh nghiệm của địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, ông Cang đề nghị khi xây dựng Luật Thừa phát lại cần đưa vào quy định cho phép các văn phòng Thừa phát lại được lập vi bằng độc lập và tự chịu trách nhiệm với các vi bằng được xác lập (như một hợp đồng công chứng của một văn phòng công chứng - PV).
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị tách các văn phòng Thừa phát lại ra không trực thuộc Tổng cục Thi hành án như hiện nay, để tạo cơ chế cũng như sự độc lập cho các đơn vị này. Liên quan đến mối quan hệ của các văn phòng Thừa phát lại với cơ quan thi hành án, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị tới đây nên phát triển theo hướng các văn phòng Thừa phát lại sẽ dần thay thế cho cơ quan thi hành án dân sự.
Hội nghị thực sự “nóng” lên với phát biểu của Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn: Hàng năm cơ quan tòa án tiếp nhận khoảng hơn 400.000 vụ án, có vụ án lên tới hàng trăm bị cáo - bị hại, bị đơn - nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vậy mà chỉ tính riêng công tác tống đạt quyết định thì qua thời gian thí điểm vừa rồi, các văn phòng Thừa phát lại mới chỉ tống đạt được hơn 800.000 văn bản, như vậy là trung bình mới chỉ tống đạt được khoảng 2 tờ giấy/vụ án, một tỷ lệ quá nhỏ so với yêu cầu thực tế.
Từ dẫn chứng khối lượng công việc khá lớn (đó là mới tính việc tống đạt quyết định - PV) mà các văn phòng Thừa phát lại phải làm, Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng sẽ mất một khoản kinh phí không nhỏ hàng năm. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng đồng quan điểm.
Song, điều mà Phó Chánh án TAND tối cao lo lắng là việc hiện nay do đang làm thí điểm nên Nhà nước cấp kinh phí cho TAND các cấp ký hợp đồng với các văn phòng Thừa phát lại thực hiện công việc tống đạt quyết định, các cơ quan thi hành án ký quyết định về việc xác minh điều kiện thi hành án cũng như tổ chức thi hành án trực tiếp. Vậy khi hết thí điểm, Nhà nước cắt kinh phí thì các văn phòng Thừa phát lại sẽ sống bằng nguồn nào?
“Tôi thấy trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chưa bàn đến vấn đề quan trọng này. Phải xác định lúc thực hiện đại trà thì các văn phòng Thừa phát lại cũng như các văn phòng công chứng phải tự đứng bằng đôi chân của mình, chứ không còn bầu sữa mẹ nữa. Vậy thì các đơn vị này sẽ tồn tại bằng cách nào? Nếu không tính toán cẩn thận, chế định Thừa phát lại sẽ đổ vỡ...” - Phó Chánh án TAND tối cao nêu vấn đề.