Chương trình điều dưỡng viên tại Nhật Bản: Cơ hội và thách thức

Lan Hương (Thực hiện) 26/08/2015 10:45

Nghiệp đoàn Kansai Techincal Cooperation Center (KTCC)-Nhật Bản đang tìm hiểu thực tế tình hình phát triển ngành điều dưỡng tại Việt Nam để từ đó thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Kanemaru xung quanh cơ hội cũng như thách thức với lao động điều dưỡng Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.

Chương trình điều dưỡng viên tại Nhật Bản: Cơ hội và thách thức

Ông Kanemaru.

PV: Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực VN?

Ông Kanemaru: Nói một cách thẳng thắn thì cũng có nhiều thực tập sinh thật thà và chăm chỉ. Tuy có sự khác biệt về văn hóa, lối sống hay cách thức làm việc tại nơi thực tập (công việc tại công ty) nhưng các em luôn cần mẫn học hỏi.

Việt Nam có nguồn cung khá dồi dào, song số lượng lao động được xuất khẩu khá khiêm tốn. Vậy theo ông làm thế nào để mở rộng hơn trong lĩnh vực này?

Tại thời điểm hiện tại, phía Nhật Bản vẫn chưa xác định được phương án bổ sung ngành nghề điều dưỡng đối với Chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản nên vẫn chưa có thực tập sinh của ngành nghề này. Số lượng y tá theo Hiệp định liên kết kinh tế không nhiều. Tại Nhật Bản, nghề y tá và điều dưỡng được tách thành hai nghề riêng biệt.

Về vấn đề mở rộng phát triển ngành điều dưỡng, trước tiên cần phải nhấn mạnh rằng nghề điều dưỡng khác nhiều so với các ngành nghề thuộc chương trình thực tập sinh kỹ năng, tính đến thời điểm này. Nghề này đòi hỏi những ứng viên có trình độ tiếng Nhật và kỹ năng giao tiếp tốt. Ngoài ra cũng cần có nền tảng cơ bản về điều dưỡng.

Do vậy, thời gian học tập ban đầu trước khi xuất cảnh đối với các ứng viên điều dưỡng cũng dài hơn. Đương nhiên là trong khoảng thời gian đó, các bạn ứng viên khó có thể tìm kiếm được công việc ổn định tại Việt Nam.

Điều quan trọng là các bạn duy trì được động lực vừa tiếp thu được kiến thức về điều dưỡng và tự tạo được động lực bằng cách tự hỏi “Tại sao mình lại học kỹ năng, kỹ thuật của ngành điều dưỡng?”. Cơ quan phái cử cũng phải luôn đặt câu hỏi rằng: “Mục đích công ty tiến hành đào tạo thực tập sinh liên quan đến ngành điều dưỡng là gì?” để xem xét cần phải làm gì để đào tạo thực tập sinh.

Ông có thể nói về kế hoạch hợp tác phát triển ngành điều dưỡng tại Việt Nam của nghiệp đoàn KTCC?

Về chương trình đào tạo tiếng Nhật, chúng tôi dự định sẽ bổ sung vào khung Chương trình giảng dạy từ trước đến nay thêm phần phát triển kỹ năng giao tiếp trong điều dưỡng và Chương trình đào tạo từ vựng chuyên môn trong điều dưỡng.

Bên cạnh đó, về kỹ năng điều dưỡng, chúng tôi dự định sẽ kết hợp Chương trình giảng dạy lý thuyết xen kẽ với Chương trình đào tạo kỹ năng trên thực tế. Với tư cách là nghiệp đoàn, chúng tôi rất mong muốn các Cơ quan phái cử tạo mọi điều kiện để thực tập sinh có thể làm quen dần với hiện trạng Chương trình thực tập kỹ năng một cách nhanh nhất.

Thưa ông, Nghiệp đoàn KTCC tuyển dụng điều dưỡng Việt Nam dựa vào những tiêu chí gì?

Quyết định tuyển dụng và tổ chức thi tuyển tại Việt Nam do các công ty tiếp nhận thuộc Nghiệp đoàn quyết định. Tiêu chí tuyển dụng khác nhau tùy vào công ty tiếp nhận. Thường thì tiêu chí tuyển dụng là những người có chí tiến thủ, chăm chỉ, thành thực, kiên trì, nỗ lực, có khả năng giao tiếp, khả năng tạo lập kế hoạch cuộc sống. Là nghiệp đoàn giám sát, khi tiến hành phỏng vấn, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhìn nhận tính cách, phẩm chất ứng viên từ nhiều góc độ khác nhau.

Nói thêm một chút là, đối với các công ty tiếp nhận, chúng tôi cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất khắt khe. Các công ty phải đảm bảo có chế độ tuân thủ chặt chẽ, theo thể chế tài chính hoặc thể chế kinh doanh, và quan trọng là phải coi trọng lợi ích của thực tập sinh. Chúng tôi cũng vẫn từ chối những công ty không đáp ứng được tiêu chuẩn đó của nghiệp đoàn. Chúng tôi luôn nỗ lực để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thực tập sinh đến từ Việt Nam.

Ông có thể nhận xét chất lượng nhân lực VN so với các nước khác?

Vì có rất nhiều thực tập sinh người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản (các nước châu Á, Âu - Mỹ, Nam Mỹ như Brazil) nên thực sự rất khó để so sánh. Nhìn chung, giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt về phong tục tập quán nhưng cũng có nhiều điểm chung như sự thân thiện và mối quan tâm đến mọi người nên khả năng tương thích tương đối tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương (Thực hiện)