EU đối mặt với khủng hoảng di cư

Khánh Duy 26/08/2015 11:05

Làn sóng người di cư lên đến hàng nghìn người tiếp tục đổ về khu vực biên giới của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), mà mới đây nhất là Hungary, trong bối cảnh lục địa già đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có và mức độ nghiêm trọng còn hơn cả khủng hoảng nợ công Hy Lạp.

EU đối mặt với khủng hoảng di cư

Một gia đình người di cư trước hàng rào ở biên giới Serbia-Hungary.

Nguồn: AFP

Khủng hoảng di cư ngày càng có dấu hiệu lan rộng ở châu Âu, trong khi các nước thành viên EU lại vẫn bất đồng về việc chia sẻ gánh nặng giải quyết vấn đề nhập cư khiến cho cuộc khủng hoảng càng trở nên tồi tệ. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cùng kêu gọi cộng đồng châu Âu nhanh chóng giải quyết vấn đề này.

Phát biểu trước cuộc họp với ông Hollande ngày 25/8, bà Merkel nói rằng châu Âu cần phải chung tay hành động để đối phó với tình trạng hỗn loạn do người di cư đổ bộ vào Hy Lạp và một số nước khu vực phía Tây Balkan. “Tình hình hiện tại khiến chúng tôi hết sức lo lắng” - bà Merkel nói.

Đức và Pháp đang soạn thảo một đề xuất chung về vấn đề nhập cư và an ninh để đối phó với tình trạng khẩn cấp hiện nay. Hôm đầu tuần, bà Merkel cho biết các đề xuất này có thể bao gồm xây dựng các trung tâm đăng ký ở Hy Lạp và Italy vào cuối năm nay. “Thời gian đang trôi nhanh. Các nước thành viên EU cần phải chia sẻ chi phí cho hành động này” - bà Merkel nói.

Đức ngày càng tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy một hệ thống quy định rõ hạn ngạch tiếp nhận người di cư đối với các nước thành viên EU, nhưng đề xuất này hiện đang bị giới lãnh đạo EU bác bỏ. Ủy ban châu Âu (EC) cũng sắp sửa đề xuất xây dựng một hệ thống chia sẻ tiếp nhận người di cư vĩnh viễn trong khối.

Hội nghị thượng đỉnh ở Berlin diễn ra trong bối cảnh làn sóng người di cư đang đổ xô về miền Nam Serbia bằng xe buýt, điểm đến mới nhất trong hành trình vô vọng hướng đến mảnh đất hứa châu Âu. Cơ quan quản lý vấn đề di trú của LHQ (UNHCR) cho biết có trên 7.000 người, gồm phụ nữ và trẻ em, đã di chuyển từ Macedonia đến Serbia.

Rất nhiều người di cư đã phải lưu lại khu vực biên giới phía Bắc Hy Lạp trong khoảng 3 ngày sau khi Macedonia từ chối tiếp nhận. Tuần trước, lực lượng cảnh sát chống bạo động của Macedonia đã sử dụng cả lựu đạn choáng để đẩy lùi đoàn người di cư khổng lồ tìm cách tràn vào nước này. Chính quyền còn phải sử dụng cả tàu hỏa và xe buýt để làm lá chắn ngăn dòng người di cư tràn vào khu vực phía Bắc.

Còn tại cửa khẩu Miratovac của Serbia, người di cư đã tìm đến trung tâm tiếp nhận ở thị trấn phía Nam Presevo. Đa phần họ đều mang theo cả gia đình và toàn bộ tài sản. Những người đến được Presevo đều được hưởng dịch vụ y tế, cấp lương thực và được cấp giấy phép thông hành. Được biết đa số người di cư đều chọn Đức là điểm đến cuối cùng của họ. Hãng tin Reuters dẫn lời một người di cư tên là Ahmed, đến từ Syria, cho hay – “Điểm đến cuối cùng của tôi là nước Đức”.

Đề xuất về áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, kể từ khi bị Tây Ban Nha và hầu hết các nước Đông Âu phản đối. Trong cuộc họp thưởng đỉnh hồi tháng 6 vừa qua, các cuộc tranh luận của giới lãnh đạo châu Âu đã không thể thông qua được một thỏa thuận.

Và cũng kể từ đó, số lượng người di cư trái phép tìm đến Hy Lạp, Italy và một số nước thuộc vùng Balkan tăng đột biến, trong đó Đức dự báo số người tị nạn sẽ đạt 800.000 người trong năm nay, tức tăng gấp 3 lần so với năm 2014.

Cuộc khủng hoảng di cư mới nhất mà EU phải đối mặt đang xảy ra ở Hungary. Chính phủ nước này hồi đầu tháng đã có hành động trước bằng cách thắt chặt quy định về nhập cư và tuyên bố sẽ sớm hoàn thành hàng rào dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn dòng người di cư.
Tính cho đến thời điểm này, làn sóng người di cư đổ đến châu Âu đã đạt đến mức kỷ lục trong tháng 7 vừa qua với khoảng 50.000 người. Đa phần trong số họ đến từ Syria, tìm đường đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vượt biển đến Hy Lạp. Chỉ trong 2 tuần vừa qua, trên 23.000 người di cư đã tràn vào Serbia, nâng tổng số người di cư lên 90.000 tính đến thời điểm này.

Khánh Duy