Ba bước tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn bên lề Hội nghị.
PV: Thưa ông, sau 3 năm triển khai, thị trường phát điện cạnh tranh đã ghi nhận được những kết quả gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua 3 năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta thu được những kết quả tích cực.
Thứ nhất, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành theo đúng quy định của Nhà nước và đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và DN. Đây là thành công cơ bản đối với công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thời gian qua.
Điểm thứ hai, chúng tôi đánh giá việc vận hành thị trường này đã tạo ra sự công khai minh bạch trong huy động các nguồn phát điện, các nhà máy điện trong vận hành hệ thống điện. Từ khi có thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện đã chủ động hơn trong vấn đề chào giá, trên cơ sở đó tạo sự công khai minh bạch hơn trong vận hành hệ thống điện.
Điểm thứ ba, thông qua vận hành thị trường phát điện, các nhà máy điện đã chủ động hơn trong công tác vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đặc biệt họ có nhiều biện pháp để tham gia thị trường điện thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Một điểm nữa có thể thấy rõ là, ngành điện thông qua thị trường này đã cung cấp được thông tin liên quan đến thị trường điện tới khách hàng sử dụng điện. Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận, việc cung cấp thông tin vẫn còn những điểm hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương, Cục Điều tiết Điện lực sẽ có những chỉ đạo nhằm tăng cường truyền tải thông tin rõ ràng hơn nữa tới các đối tượng tham gia thị trường điện cũng như các khách hàng tham gia sử dụng điện.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 59 nhà máy điện tham gia thị trường này, đạt 42% công suất nguồn điện, con số này có vẻ vẫn hạn chế so với nguồn lực ta có. Vậy theo ông, đâu là bất cập trong quá trình vận hành thị trường phát điện thời gian qua?
- Thực tế, chúng ta vận hành thị trường phát điện trong tình hình khó khăn. Hệ thống điện còn nhiều bất cập, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu vận hành, lúc đó, nguồn điện của chúng ta còn chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu sử dụng điện trong các thời điểm. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đầy đủ.
Bộ Công thương đã nỗ lực chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa các nhà máy điện tham gia thị trường điện, song còn nhiều yếu tố ràng buộc nên điều này thực hiện được còn khá hạn chế. Đây cũng là một điểm bất cập.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá các đơn vị tham gia thị trường điện, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm ra các giải pháp với mong muốn gia tăng tỷ lệ các nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh để thị trường điện hoạt động được hiệu quả hơn.
Bộ Công thương mới đây đã ban hành quyết định triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó đến năm 2016 thị trường này sẽ chính thức vận hành. Tuy nhiên, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương, việc vận hành này vẫn chỉ là trên giấy. Ông giải thích cụ thể vấn đề này ra sao?
- Trước khi bước vào 2019, chúng ta sẽ từng bước đưa các tổng công ty điện lực tham gia thị trường điện một cách thực tế hơn, tức là họ sẽ có thể mua từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn. Phần còn lại mua qua thị trường phát điện cạnh tranh.
Tại sao chúng ta phải có ba bước này? Là bởi, từ bước chuyển phát điện cạnh tranh sang bán buôn là bước chuyển căn bản, thay đổi công tác tổ chức sản xuất điện trong một thời gian dài vừa qua.
Và ảnh hưởng của thị trường bán buôn sẽ có tác động rất lớn đến hầu hết mọi hoạt động của toàn ngành điện, do vậy chúng ta cần phải có những bước đi thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế, như ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng. Và qua những bước thận trọng đó để có thể rút kinh nghiệm, bước đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh một cách hiệu quả nhất.
- Xin cảm ơn ông!