Thế và lực
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng ngoại giao “đang làm rất tốt việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, góp phần không ngừng nâng cao thế và lực của đất nước”.
70 năm trước, trong những ngày tháng Tám mùa Thu, khi mà Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ở khắp nơi trên đất nước; Cách mạng đã thành công ở nhiều nơi, việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được đặt ra. Những ngày tháng Tám ấy đã đi vào lịch sử của rất nhiều ngành quan trọng của đất nước trong đó có nền ngoại giao Việt Nam. Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/8/1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Hôm nay (27/8), ngành ngoại giao kỷ niệm ngày lễ của mình tại Hà Nội.
Nói về ngày lịch sử ấy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: Ngay từ buổi đầu lập nước, Đảng và Bác Hồ đã hết sức coi trọng vai trò của công tác đối ngoại với tư cách là một vũ khí quan trọng để bảo vệ lợi ích dân tộc. Một trong những điều khiến các thế hệ cán bộ ngoại giao cảm thấy rất vinh dự, tự hào chính là, ngay từ buổi đầu, ngành được đặt dưới sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành.
Người từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, thứ hai là đánh bằng ngoại giao, thứ ba mới đánh bằng binh”. Quả có thế vì, trong những ngày đầu Cách mạng thành công, nước Việt Nam mới còn gặp muôn vàn gian khó: Thế mỏng, lực yếu lại phải đối mặt với không ít thù trong, giặc ngoài. Nhưng, cũng chính trong những ngày gian khổ ấy, ngành ngoại giao đã góp sức không nhỏ để bảo vệ cho được thành quả của cách mạng, bảo vệ cho được chính quyền non trẻ của ta.
Trải qua 70 năm bền bỉ phấn đấu vì đất nước, ngoại giao Việt Nam đã có nhiều “trận đánh” lớn trên chính trường và là những “trận đánh” thành công, góp phần giúp đất nước thực hiện thành công sách lược “hòa để tiến”. Nhìn lại chặng đường 70 năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đánh giá: “Những quyết sách đối ngoại táo bạo, đúng đắn trong thời khắc vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” càng làm nổi bật tầm vóc tư tưởng và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại. Từ nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến sách lược ngoại giao tâm công và phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tất cả đã trở thành những bài học kinh điển về nghệ thuật ngoại giao mang đậm phong cách Hồ Chí Minh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.”
Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, cùng với quân sự và chính trị, ngoại giao đã giành được những chiến thắng ấn tượng bên bàn đàm phán ở Geneve năm 1954 và ở Paris năm 1973 góp công lớn tiến đến chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Trong công cuộc Đổi mới, vai trò của đối ngoại lại càng lớn hơn bao giờ hết. Nếu ở thời điểm sau năm 1975 chúng ta vẫn phải chịu thế bao vây kinh tế, cấm vận chính trị và chỉ có quan hệ với các nước thuộc phe XHCN thì nay ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Chúng ta đã đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN năm 1998 và năm 2010, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng trên 250 tỷ USD vốn FDI và là một trong số ít nước đang tham gia tất cả các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Nhiều nhà phân tích đưa ra nhận định, trong một thế giới mà xu thế toàn cầu hóa là tất yếu, sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ không thể tránh khỏi; vì thế, muốn phát triển, không có cách nào khác là cần nỗ lực hết mình, cần đi theo dòng chảy của thời đại. Và, trong giai đoạn này, vai trò “đi trước” của đối ngoại cũng hết sức quan trọng.
Tại cuộc gặp các thế hệ cán bộ ngoại giao tiêu biểu hôm 20/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh về vai trò đi trước ấy khi cho rằng: Cán bộ Ngoại giao ngày nay cũng là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng, góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy. Chủ tịch nước cũng cho rằng ngoại giao “đang làm rất tốt việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, góp phần không ngừng nâng cao thế và lực của đất nước”.
Về phần mình, trong cuộc gặp các thế hệ cán bộ ngoại giao tiêu biểu sau đó 2 hôm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn, quan trọng của ngành ngoại giao vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, làm cho bộ mặt đất nước đổi mới, bạn bè thế giới hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam. Tổng Bí thư cho rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Và, để giữ cho được thế và lực ấy, Tổng Bí thư lưu ý: Trong giai đoạn sắp tới, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức; đất nước hội nhập càng sâu rộng, ngành ngoại giao càng cần phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những thách thức đã lộ diện và chưa lộ diện, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nhắc, ngành ngoại giao có nhiệm vụ “định vị Việt Nam một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và quốc tế, bảo vệ vững chắc các lợi ích quốc gia, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và vị thế của Việt Nam”.
Về phần mình, những người làm ngoại giao đã thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch “dĩ bất biến ứng vạn biến” vì sự khẳng định thế và lực mới của đất nước trên trường quốc tế. “Bám sát cái “bất biến” là lợi ích quốc gia, dân tộc để ứng xử “vạn biến” linh hoạt, thích ứng với một thế giới đang không ngừng thay đổi là yêu cầu bắt buộc đối với ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.”- như Phó Thú tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định, để “đặt Việt Nam vào đúng dòng chảy của thời đại, đồng thời không để đất nước bị bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào”.