Đổi mới phương pháp dạy và học
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học, cũng như tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này, ngày 26/8, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2015 – 2016. Hội nghị đã thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu là cán bộ, nguyên là cán bộ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, năm học 2015 – 2016, số học sinh tăng nhiều hơn năm học trước nhưng toàn ngành vẫn đảm bảo huy động 100% trẻ trong độ tuổi đi học đến lớp, đảm bảo duy trì công tác phổ cập giáo dục. Năm học này, tỷ lệ học 2 buổi/ngày sẽ giảm ở cấp tiểu học nhằm giảm sĩ số bình quân/lớp. Việc áp dụng sĩ số như dự kiến trên, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và THCS vẫn giữ ngang mức với năm 2014 – 2015.
Trong khi đó, những quận, huyện có áp lực lớn về điều kiện cơ sở vật chất, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh ở cấp tiểu học, gồm: quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân do tốc độ tăng dân số cơ học cao; đặc biệt quận 12 có dân số độ tuổi đi học cao nhưng năm học tới không có thêm phòng học nào mới ở tất cả các cấp học, ngành học. Cũng theo ông Nam, Sở GD&ĐT TP đã tổ chức tuyển dụng bổ sung 464 giáo viên giảng dạy bậc THPT và Giáo dục thường xuyên. Hiện UBND các quận, huyện đang hoàn tất công tác tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng lao động Trần Đông A đề nghị, cần phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nội dung sách giáo khoa nên soạn theo hướng tích hợp, sát thực với thực tế, đồng thời kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm tới cần phải rút kinh nghiệm của năm nay nhằm đơn giản hóa, giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh hơn.
Theo GS. TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Uỷ viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Uỷ viên Ủy ban MTTQ TP, kỳ thi vừa qua, tỷ lệ các em vi phạm quy chế thi ở những môn như lịch sử, ngữ văn, địa lý cao hơn nhiều so với các môn khác. Ở góc độ nào cũng nói lên rằng, học sinh ngày nay đã không còn chú trọng nhiều đến những môn học này, nhưng rất tiếc đó đều là những môn quan trọng, những kiến thức liên quan đến văn hóa, truyền thống, đạo đức của các em. “Cần phải điều chỉnh phương thức dạy và học, việc truyền thụ kiến thức cần đi kèm với giảng dạy đạo đức, phải làm sao để thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, văn hóa, truyền thống của người Việt. Việc này phải được thực hiện xuyên suốt từ cấp mầm non đến cả bậc Đại học…” - GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề nghị.
Ông Nguyễn Hữu Danh – Hội Cựu Giáo chức TP cho rằng, cần phải đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên ở tất cả các cấp nhằm đáp ứng được kịp thời nhu cầu thực tế. Các bậc học, nhất là bậc mầm non nên phải có hộp thư góp ý, thư góp ý này phải đến được các cấp quản lý nhằm điều chỉnh kịp thời những hạn chế hay những hành vi vi phạm của giáo viên.