Lại nóng chuyện đất đai

T.Dương 28/08/2015 00:01

Đất đai luôn là vấn đề nóng tại bất cứ thời điểm nào. Lại càng nóng hơn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

Lại nóng chuyện đất đai

Người dân thiếu đất sản xuất nhưng nhiều dự án vẫn để đất hoang.

“Với nhiều người tấc đất là tấc vàng song cũng là kế sinh nhai sống còn. Nghịch lý khi một đất nước với bề dày truyền thống nông nghiệp song nơi mọc lên chốn biệt thự nguy nga, nơi dân không có một tấc đất để sản xuất” - ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp đưa ra một thực tế đau xót.

Trong 13 triệu ha rừng, số rừng giao trực tiếp cho các hộ gia đình chỉ chiếm 26%; cộng đồng 2%. Buồn khi UBND cấp xã theo luật không được giao trách nhiệm nhưng lại quản lý tới 2,1 triệu ha. Điều đó đã khiến rất nhiều hộ không có đất sản xuất đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số. Điều này còn dẫn đến thực tế lãng phí nguồn lực và tiềm lực đất đai.

“Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào? Giải pháp gì để chấm dứt tình trạng trên” - ông Đương chốt và yêu cầu lãnh đạo ngành nông nghiệp giải quyết cụ thể trước các vị đại biểu cùng hàng triệu cử tri theo dõi phiên giải trình trực tiếp. Vấn đề đặt ra quá đỗi quen thuộc với đồng bào thiểu số với khó khăn trăm bề, song tư lệnh ngành nông nghiệp Cao Đức Phát đã khiến không ít người ngạc nhiên.

Ngạc nhiên khi theo ông, “đây là đất xa dân nên dân khó có điều kiện sản xuất”. Ngạc nhiên khi “đây là đất chất lượng kém, hiệu quả thấp nên không thể giao cho dân”; và cũng bởi “không phải giao cho UBND xã mà UBND xã không giao được cho ai nên đành phải quản lý”. Câu trả lời trên đã khiến ĐB Đương 3 lần bấm nút yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát làm rõ bởi lý lẽ giao cấp xã vì đất xa dân là không thuyết phục.

Dân thiếu đất là một thực tế, điều này cũng đã được ĐB Chu Sơn Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhắc lại những vấn đề đã được ông nói tại Quốc hội: Tại một xã của huyện Ba Vì, nơi mà người dân tộc Dao sinh sống đã phải vượt hàng trăm cây số để sang Trung Quốc làm thuê cũng bởi không có đất để sản xuất. Những tâm tư của ĐB Hà được đáp nhận bởi thông tin “sẽ kiểm tra, xem xét”!

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng đã nhận một phần trách nhiệm nhưng xem ra quả bóng một lần nữa lại được đá sang địa phương. Thừa nhận đúng là tỷ lệ chuyển từ giao đất sang cho thuê đất đúng ra phải kết thúc nhưng đến nay kết quả rất là thấp, Bộ trưởng Quang cho rằng “trách nhiệm thuộc địa phương vì trực tiếp quản lý đất đai là của địa phương, phải làm rõ trách nhiệm người quản lý đất đai tại địa phương là như thế nào”.

Và một nguyên nhân nữa được Bộ trưởng Quang giải trình là do đất nông lâm trường được giao từ thời kỳ bao cấp nên có nhiều tồn tại, đất đai không được đo đạc trên thực địa. Qua nhiều lần đổi mới sắp xếp nên không đo vẽ lại đủ độ tin cậy bản đồ pháp lý. Trước giao đất không phải theo bản đồ địa chính mà theo bản đồ địa hình nhỏ và độ chính xác kém. Tình trạng lấn chiếm không thu hồi được, tình trạng sang nhượng đất trái phép là phổ biến. Cấp giấy chứng nhận chậm cũng do thiếu kinh phí không đo đạc được và đó là nguyên nhân sâu xa.

“Trách nhiệm của Bộ là xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, còn về thẩm quyền giao đất cho thuê đất đã phân cấp cho các địa phương thực hiện nên trách nhiệm thuộc về địa phương. Bộ chỉ kiểm tra pháp luật về đất đai thực hiện có đúng hay không đúng” - Bộ trưởng Quang cho biết, nhưng sau đó ông cũng nhắn nhủ rằng: “Sau giải trình mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kiến nghị các địa phương và các Bộ thực hiện, và mong Trung ương cấp hơn 1.000 tỷ đồng để có kinh phí đo đạc lại bản đồ địa chính”.

Vậy là tất cả cũng chỉ vì thiếu tiền - cái lý do được nhiều bộ ngành viện dẫn khi thực hiện một chủ trương. Và lý do đó đã được Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá chất vấn: Không đo đạc được là do kinh phí, Vậy nếu phân bổ kinh phí thì Bộ trưởng có làm được không? Với chức năng nhiệm vụ được giao sao Bộ trưởng không kiến nghị cùng với các bộ ngành khác liên quan kiến nghị để đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách?

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tâm sự, sau khi ông tham gia cùng đoàn giám sát đi thực tế: “Sau khi rà soát thấy thất thoát quỹ đất và tài sản nhà nước khá nghiêm trọng. Đến Công ty Chè Mộc Châu đã chuyển đổi và Nhà nước không giữ 1 phần nào, hiện Công ty quản lý 4.800ha; 1 năm thu hơn 1.000 tỷ đồng và giàu nhanh từ lúc lên sàn chứng khoán nhưng mỗi ha người nông dân trả cho họ 2,8 triệu đồng; mỗi năm thu của nông dân hơn 5 tỷ đồng? Vậy sau chuyển đổi nông dân không được gì mà mất đi. Trước làm cho Nhà nước còn giờ làm thuê cho tư nhân. Mà đất chính là của Nhà nước cho tư nhân thuê. Đâu là nguyên nhân chính? Giải pháp là như thế nào? Tôi đi giám sát về mà cứ buồn mãi”.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), buông lỏng quản lý đất đai đã diễn ra mấy chục năm chứ không phải bây giờ nhưng nguyên nhân mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không có kinh phí để đo đạc bản đồ địa chính là không có cơ sở. Bởi trước đó khi giải trình thêm về vấn đề kinh phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí thông tin: Phần Trung ương đã bố trí đủ, còn lại là ở địa phương.

Đó cũng là tâm trạng băn khoăn của ĐB Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khi biệt thự nguy nga mọc ngay trong đất vườn quốc gia, đất nông lâm trường quản lý, hầu hết là quan chức, người có tiền. Vậy Bộ có xem xét lại chính sách quản lý nông lâm trường về đất đai chế tài xử lý thế nào để làm nghiêm? Và trước sức ép từ các vị đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận rằng sai phạm thì UBND các cấp có biết, có xử lý, nhưng xử lý chưa như mong muốn.

ĐBQH, cử tri luôn nóng nhưng phần trả lời chưa thỏa đáng của một số Bộ trưởng khiến nhiều ĐB tỏ vẻ thất vọng. Nhiều ĐB đã 3-4 lần bấm nút yêu cầu các tư lệnh ngành làm rõ song sự đáp lại chỉ dừng ở mức độ.

T.Dương