Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Giáo viên giỏi cần được hỗ trợ tốt
Trong Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, vai trò của các giáo viên là vô cùng quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, với những giáo viên giỏi bằng bất cứ cách nào, cũng phải tạo điều kiện cho họ có được sự hỗ trợ tốt. Có như thế các giáo viên mới an tâm, tâm huyết với nghề.
Đời sống giáo viên cần được quan tâm hơn
khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới.
PV: Về CT GDPT mới được Bộ GD&ĐT đưa ra có nhiều điều đổi mới, đặc biệt là cách dạy tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên có khả năng hiểu biết, vận dụng tốt… Tại địa phương ông, đã và đang triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khoát: Chương trình giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn tại Hà Nam, thực ra bây giờ vẫn chỉ đạo theo đúng kế hoạch của Bộ thôi chứ chưa làm được gì nhiều. Bộ tập huấn cho một số cán bộ nguồn, đảng viên nguồn về lại tiếp tục chuyển. Còn về phía giáo viên, Sở có chỉ đạo giáo viên phải ý thức, chỉ đạo rõ môn nào làm gì ngoài việc chung. Có giáo viên năng lực tốt, dạy môn Hóa có thể tích hợp được các môn xã hội chẳng hạn… Nhưng trong chỉ đạo Sở cũng sẽ nói rõ môn này, vấn đề này của xã hội đang xảy ra thì môn nào phải lo là chính…
Thực ra tôi không lo ngại lắm, nếu như chỉ tích hợp thuần túy. Trước đây cứ 3 môn Lý, Hóa, Sinh mình tích hợp lại với nhau thì đúng là giáo viên sẽ rất khó khăn. Nhưng tích hợp theo hướng mới, có phần chung và có phần riêng. Chương trình nói chung giảm đi, thì như vậy những phần gì nói về cốt lõi về mũi nhọn, ở từng cấp học giáo viên những môn đó người ta sẽ làm. Còn cái gì mang tính chất phổ thông thì giáo viên nào cũng phải làm. Thông qua bồi dưỡng đội ngũ đào tạo lại thì làm được.
Địa phương chúng tôi cũng có tập huấn, có dạy minh họa. Về các trường giáo viên cũng dạy cho anh em dự giờ, rút kinh nghiệm. Sở cũng đã tổ chức cả hội thảo về tích hợp liên môn cho các cấp, và tôi đánh giá là tốt. Tôi thấy rằng, trong chương trình mới này vai trò của hiệu trưởng là rất quan trọng. Hiệu trưởng mà không làm thì dưới chẳng ai làm. Cho nên đổi mới công tác quản lý nhà trường là việc rất quan trọng, nòng cốt. Hiệu trưởng mà lắc đầu không triển khai thì văn bản của mình hay đến mấy cũng bỏ trong ngăn kéo.
Cách thức giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, nói thì như thế nhưng vào thực hiện lại là cả một quá trình không hề đơn giản. Với tình hình địa phương mình, ông có băn khoăn gì không?
- Hiện nay địa phương vẫn đang theo chương trình của Bộ thôi, chưa làm được nhiều. Ngay tích hợp trong chương trình cũng chưa rõ. Chương trình mới hiện nay có bồi dưỡng cho đội ngũ, nhưng vấn đề tự thân giáo viên học là vấn đề khó. Chúng ta cũng cần phải thông cảm cho giáo viên, một là thời gian không có nhiều, hai là điều kiện cũng chưa có nhiều. Có một vấn đề về mặt cơ chế nhiều người cũng băn khoăn, đó là làm thế nào để Bộ có một cơ chế mới: Khi mà giáo viên học, giám sát được chương trình học.
Dù giáo viên học ở đâu cũng được, tự học đâu cũng được, nhưng khi đã đảm bảo được chương trình mới rồi thì đời sống của giáo viên phải tốt lên. Chế độ cho giáo viên phải tốt lên thì người ta mới học. Chứ bây giờ cứ nói chung chung là các bạn phải cố gắng, các bạn phải thế này thế khác… tôi cho là khó. Thế cho nên về mặt quản lý nhà nước về phía Bộ phải tham mưu cho Chính phủ có cơ chế giáo viên nào bồi dưỡng tốt, tự học tốt, tích lũy tốt được nhiều chứng chỉ, đáp ứng được nhiệm vụ thì đời sống người ấy cũng phải lên tốt.
Trong CT GDPT mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm một phần lớn nội dung, ông đánh giá như thế nào?
- Thực ra đây là chỉ đạo mới của Bộ. Về mặt hình thức thì nó không mới. Trước đây chúng ta gọi là ngoài giờ lên lớp, còn bây giờ là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Yêu cầu bây giờ là trải nghiệm sáng tạo. Trước đây là “học” đi đôi với “hành”, “hành” là để hiểu sâu hơn viêc “học”, nhưng bây giờ “hành” là để biết làm việc, làm việc tốt hơn và phải mang lại đời sống cho người học. Trải nghiệm bây giờ là phải làm được, phải ứng dụng được. Có thể số việc thì ít hơn ngày trước nhưng hiệu quả thì rõ hơn. Đấy là vấn đề khó.
Tùy theo từng trường và tùy theo người quản lý mới có thể thực hiện tốt mảng này. Ông hiệu trưởng phải làm tốt xã hội hóa thì mới làm được. Tình hình hiện nay thì xu hướng các dịch vụ công cố gắng tư nhân hóa là một quan điểm rất mới, rất đúng mà trong giáo dục cũng làm được. Bởi nếu bây giờ tất cả cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước thì sao được? Nhà nước chỉ lo việc chính, tất yếu thôi.
Còn vấn đề giáo dục các con như hoạt động trải nghiệm, chúng tôi chỉ đạo phải xã hội hóa. Ví dụ một chương trình văn nghệ, nhà trường không có tiền làm thì phụ huynh và các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ mang đàn đến, trao giải, tổ chức. Nếu làm tốt, người dân sẵn sàng, phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho các con.
Người quản lý rất quan trọng. Một là anh phải nghĩ ra được, thứ hai anh phải làm cho nó công khai đàng hoàng thì mới được. Nếu còn có vấn đề gì trong quá trình điều hành, cơ chế hiện nay khiến người ta nghĩ còn vấn đề này nọ thì sẽ khó, vì thế phải làm hết sức công khai, đàng hoàng. Các bộ phận khác tham gia thì không sao, còn cứ để 1 mình làm thì người ta rất dễ nghĩ…
Trân trọng cảm ơn ông!