Hoãn phiên tòa xét xử vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Do vắng một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên TAND quận Long Biên đã quyết định hoãn phiên xét xử hai bị cáo trong vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.
Do vắng nhiều thành phần nên phiên tòa xét xử
vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề diễn ra vào sáng 28/8 đã bị hoãn lại
Sáng 28/8, TAND quận Long Biên đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo bị cáo Phạm Thị Nguyệt (SN 1970, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang ( SN 1978, trú tại phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Theo đó hai bị cáo Nguyệt và Trang bị xét xử về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo Điều 120 Bộ luật Hình sự.
Tại phần làm thủ tục phiên tòa, anh Vũ Xuân Trường- Bố đẻ của cháu Phạm Gia Bảo (tức cháu Cù Nguyên Công- bị hại trong vụ án) vắng mặt.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án như anh Nguyễn Văn Vũ, Phạm Đức Hữu mặc dù đã được triệu tập nhưng không có mặt tại tòa. Hai bị cáo cũng không được dẫn giải đến phiên tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử lại. TAND quận Long Biên sẽ mở lại phiên tòa vào thời gian khác.
Về việc không dẫn giải hai bị cáo đến Tòa, theo Thư ký phiên tòa cho biết, Tòa đã trích xuất được hai bị cáo tuy nhiên do vắng nhiều thành phần nên không dẫn giải bị cáo tới tòa.
Cáo trạng xác định, tháng 7/2014, Công an TP. Hà Nội nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Thành Long đề nghị làm rõ nghi ngờ về việc có người đã đem bán cháu Cù Nguyên Công, cháu bé mà anh Long nhận làm cha đỡ đầu tại chùa Bồ Đề. Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, năm 2011, chị H (quê Phú Thọ) và anh T (quê Tuyên Quang) yêu nhau và sống như vợ chồng và sau chị H có thai ngoài ý muốn với anh T. Ngày 25/10/2013, chị H sinh một bé trai tại một nhà nghỉ, sau đó cùng với anh T mang cháu đến chùa Bồ Đề để nhờ nuôi dưỡng. Từ năm 2013, anh Nguyễn Thành Long cùng một số người thân quen tham gia hoạt động từ thiện cho trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề đã nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé trên và đặt tên là cháu Cù Nguyên Công.
Phạm Thị Nguyệt thường xuyên đi lễ tại chùa Bồ Đề nên đã quen biết Nguyễn Thị Thanh Trang làm quản lý khu nhà nuôi trẻ chùa Bồ Đề. Xuất phát từ ý định lừa dối người chồng “hờ”, Nguyệt đã nhờ Trang tìm cho một cháu trai khoẻ mạnh làm con nuôi, hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang một khoản tiền. Hám tiền, Trang đã đồng ý và khi biết chị H là mẹ cháu Cù Nguyên Công, Trang đã đề cập muốn xin con về nuôi. Tháng 12/2013, Trang nhờ người làm chị dâu của mình, hướng dẫn cách đặt vấn đề với chị H để xin lại con.
Sau khi các bên đồng ý, Trang đã bảo chị H đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích để đưa cháu Công ra khỏi chùa để giao cho Nguyệt. Đồng thời, Trang thông báo cho Nguyệt về việc chùa có một cháu bé trai sơ sinh và nếu muốn nhận nuôi phải chi tiền bồi dưỡng. Nguyệt hứa bồi dưỡng 40 triệu đồng cho Trang. Ngày 1/1/2014, sau khi làm thủ tục xin lại cháu Công từ chùa Bồ Đề, Nguyệt đã đến nhận cháu Công và đưa 35 triệu đồng cho Trang. Sau khi nhận được tiền, Trang đã gửi 10 triệu đồng vào tài khoản của chị H và Trang giữ lại 25 triệu đồng chi tiêu cá nhân.
Quá trình Nguyệt nuôi dưỡng, cháu Công bị bệnh sởi. Ngày 21/6/2014, Nguyệt đưa cháu Công đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng do bệnh quá nặng nên cháu Công đã tử vong vào ngày 24/6/2014.
Khám xét nơi ở của Nguyệt, cơ quan công an phát hiện Nguyệt còn đang nuôi 2 cháu bé khác là Phạm Đức Anh và Phạm Gia Hân. Theo lời khai, Nguyệt xin nhận hai cháu trên về nuôi cũng để đánh lừa và níu kéo người chồng “hờ” của mình. Tại cơ quan điều tra, mẹ cháu Đức Anh và Gia Hân đều khẳng định do không có điều kiện nuôi dưỡng nên đã đồng ý cho Nguyệt nhận hai cháu Đức Anh và Gia Hân làm con nuôi vì vậy không có cơ sở xử lý Nguyệt về hành vi mua bán hai cháu bé này.