Độc đáo Zimbabwe

LÃ THẾ TUẤN (Nguồn tham khảo:  Discovery National Geographic) 28/08/2015 15:55

Đất nước Zimbabwe chỉ được thế giới biết đến kể từ năm 1868, khi một nhóm các nhà thám hiểm châu Âu tới châu Phi đã vô tình phát hiện ra một bãi đá hoang tàn với nhiều dấu vết của một pháo đài cổ. Người ta gọi nó là “Đại Zimbabwe”. Kiến trúc cổ khổng lồ này được xây dựng từ thế kỷ 12, cho thấy trong quá khứ Zimbabwe đã từng là một đế chế hùng mạnh.

Phục chế di tích “Đại Zimbabwe”

1. Tuy phần lớn các công trình kiến trúc của Đại Zimbabwe đã bị hư hỏng, nhưng người ta vẫn có thể hình dung được sự tráng lệ của nó. Bằng những phương pháp khoa học hiện đại, người ta có thể tái hiện được một tòa thành lớn hình bầu dục với 3 cổng ra vào. Điều đặc biệt là công trình được ghép từ vô số những phiến đá xẻ nhỏ với kỹ thuật cao cường, cho tới nay người ta vẫn không giải thích nổi bởi chúng không cần đến bất cứ chất kết dính nào. Người ta cũng không thể hiểu được vì sao người xưa lại dựng trong tòa thành này những cột đá rất cao mà hầu như không có ý nghĩa gì. Còn hệ thống nhà ở, cung điện, hầm ngầm, giếng nước… cho thấy đây là một quần thể kiến trúc được thiết kế hết sức hợp lý.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến Đại Zimbabwe trở nên hoang phế là do nó từng bị coi là có nhiều mỏ vàng cũng như chôn cất vàng. Từ hai thế kỉ trước, những ông chủ da trắng đến từ châu Âu đã thuê nhân công người bản xứ đào bới hầu như không chừa một mét vuông đất nào trong khu vực tòa thành cổ. Tới nay, vẫn còn đó nhưng hầm đào vàng sâu tới 3 mét, được chống đỡ một cách sơ sài. Cũng không ai biết người ta có tìm được vàng ở đây không, hoặc giả đã mang đi bao nhiêu vàng; nhưng chính những cuộc đào bới đó đã phá hủy Đại Zimbabwe.
Một điều cũng vẫn nằm trong vòng bí mật là vì sao vương quốc này lại suy tàn. Không có dấu vết của những cuộc chiến tranh, cũng không từng bị hỏa thiêu hay là nước ngập. Rất có thể nơi đây từng phải chịu những trận dịch bệnh kinh hoàng giết chết rất nhiều người. Những người sống sót đã khăn gói ra đi không bao giờ dám quay trở lại. Một khu vực giàu mạnh bỗng chốc rơi vào tang tóc, cô quạnh.
Zimbabwe nằm ở phía nam lục địa châu Phi, hai con sông Zambize và Limpopo như hai thành lũy thiên nhiên che chở cho đất nước này. Dọc theo hai dòng sông là những cánh đồng, khu chăn thả gia súc và những đô thị. Nhưng Zimbabwe lại không nổi tiếng với những cánh đồng, mà lại vượt trội về những con thác, trong đó thác Victoria ở trên sông Zambezi là nổi bật nhất. Kỳ quan thiên nhiên thế giới này cao 108 mét, rộng tới 1.708 mét (gấp 2 lần chiều rộng của thác Niagara ở Bắc Mỹ), nó là một trong số ít ỏi thác nước lớn nhất thế giới. Từ tháng 4 cho đến tháng 7, nước từ sông Zambezi ào ạt đổ về khiến thác Victoria Zimbabwe trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Nước từ trên vách núi cao sừng sững đổ xuống tỏa ra một màn sương khói dày đặc, thác Victoria bỗng trở nên mờ ảo và huyền bí. Hơi nước mát lạnh bao phủ cả một vùng rộng lớn khiến cho hệ động thực vật phát triển mạnh mẽ. Người ta ghi nhận rằng, đây chính là thời điểm cây cối lớn rất nhanh, còn muông thú vào thời kỳ sinh sản.
Tại khu vực thác Victoria, có một thị trấn nhỏ mà vẻ duyên dáng của nó khó có nơi nào bì kịp, đó là thị trấn Victoria Falls. Thị trấn chưa đến mười ngàn người. Do vị trí khá đặc biệt là nằm bên con sông Zambezi- nơi phân chia biên giới giữa hai quốc gia Zimbabwe và Zambia nên nó như thể một “ngã ba đường”, người dân hai nước chỉ cần chèo thuyền ra giữa sông là đã có thể bắt tay nhau. Cũng chẳng cần hộ chiếu mới vào được thị trấn này. Có thời điểm du lịch rộ lên trong năm, khách còn đông hơn chủ. Người dân thị trấn thì dựng lều ngủ tạm trong vườn nhà, dành những căn phòng cho khách thuê. Khi mùa mưa tới, người các nơi đổ về thị trấn, chỉ là để được chiêm ngưỡng con thác hùng vĩ trong màn mưa. Chính lúc này, thác trở nên kì ảo và có phần kì dị.

Thác Victoria

2. Thông tin cách đây chưa lâu khiến người ta lo ngại về tình hình săn bắt động vật hoang dã ở quốc gia được coi là một công viên động thực vật tự nhiên bậc nhất thế giới là Zimbabwe: Một người đàn ông tên là Walter Palmer đã trả 55.000 USD cho các hướng dẫn viên du lịch để được phép giết chết một con sư tử mang tính biểu tượng của đất nước này.
Đó là con sư tử Cecil, nó đã bị tay thợ săn kết liễu bằng cung tên và súng trường. Sau đó, con vật bị chặt đầu và lột da. Ngay lập tức, làn sóng dư luận trong nước sôi lên, đồng thời các tổ chức thiên nhiên, động vật hoang dã cũng vào cuộc. Cecil là một con sư tử 13 năm tuổi sở hữu một chiếc bờm màu đen hết sức nổi bật. Nó sống trong Công viên Quốc gia Hwange cho đến ngày bị “bán đứng”.
Theo Rodrigues- người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm bảo tồn Zimbabwe thì đây rất có thể sẽ là “điểm khởi đầu quái dị” cho một xu hướng mới của bọn săn trộm nhằm tránh bị bắt giữ. Có nghĩa là chúng chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là có thể “mua” được quyền giết động vật hoang dã. Con sư tử Cecil bị bắn bằng cung nhưng không chết ngay. Nó quằn quại trong đau đớn gần 2 ngày đêm để cuối cùng bị kết liễu bằng những phát súng trường.
Tuy mối lo ngại về săn giết động vật hoang dã là có thật, nhưng Zimbabwe vẫn đươc thế giới tôn trọng về một nền văn hóa giàu bản sắc. Đây là đất nước của những nhạc cụ truyền thống nổi tiếng, trong đó có trống Ngoma và Hosho. Còn về các phong cách âm nhạc, người ta lấy làm ngạc nhiên bởi âm nhạc bản địa Mbira, nhạc Chimurenga, nhạc Sungura, nhạc Sungumba, Zimbabwe hip-hop, Dancehall, Shangara, Jerusarema…


Có thể kể đến một nhạc cụ mang tên Mbira của tộc người Shona. Nó bao gồm các mảnh kim loại dài khác nhau gắn trên một bảng âm bằng gỗ. Người chơi sẽ gảy bằng ngón tay cái của mình, tạo ra trình tự các nốt cao và thấp. Một Mbira có khoảng từ 22 đến 28 phím, còn được gọi là “Piano của ngón tay cái”. Hay là nhạc cụ Hosho lại được làm từ một quả bí ngô khô, âm sắc khá độc đáo. Còn Ngoma là một loại trống làm từ một thân cây rỗng. Đơn giản nhưng âm sắc của nó khó có loại trống nào bì kịp.

LÃ THẾ TUẤN (Nguồn tham khảo:  Discovery National Geographic)