Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 45.000 DN khó khăn buộc phải ngừng hoạt động. Chỉ riêng trong tháng 8/2015, có 7.595 DN ngừng hoạt động, tăng 27,9% so với tháng trước. Những con số cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN vẫn chưa hoàn toàn được vực dậy.
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn được vực dậy.
Với DN thành lập mới, riêng trong tháng 8, cả nước có 9.301 DN với số vốn đăng ký là 55,2 nghìn tỷ đồng. So với tháng trước, số DN thành lập mới tăng 41%, số vốn đăng ký tăng 41,9%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 84,1%, số vốn đăng ký tăng 102,4%. Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 61.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 376,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp, tăng 29,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào tương quan tỷ lệ giữa số DN thành lập mới và số DN phải ngừng hoạt động, có thể thấy số DN đăng ký thành lập mới vẫn nhỉnh hơn. Tuy nhiên, điều đó vẫn không chưa thể chứng tỏ rằng, mọi khó khăn đã qua đối với cộng đồng DN. Số DN đăng ký mới chủ yếu với số vốn nhỏ, quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Giới chuyên gia nhận định, quy mô vốn nhỏ, khả năng quản trị yếu, nên chỉ cần nền kinh tế có biến động nhẹ, các DN nhỏ có thể dễ dàng bị khuất phục.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thực tế cho thấy quy mô trung bình về vốn, về lao động của DN tư nhân Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống. Khu vực kinh tế tư nhân nhỏ bé cũng là một trong các cản trở đối với phát triển kinh tế thị trường.
Vậy nhưng, nghịch lý ở chỗ, một trong những nguyên nhân gây nên những khó khăn cho hoạt động của cộng đồng DN chính là những tác động từ chính sách. “Chính sách, pháp luật hay thay đổi, thiếu ổn định, thiếu minh bạch và thiếu công bằng, khó tiên liệu trước đã gây ra nhiều hệ quả” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
Không phải bây giờ, mà từ lâu nay, cộng đồng DN cả trong và ngoài nước đều cho rằng các chính sách, luật pháp ở Việt Nam khó tiên liệu trước. Đặc biệt, chính sách thiếu ổn định, hay thay đổi gây ra những bất lợi cho DN.
Theo điều tra của VCCI, chỉ 11% số DN tiên liệu được thay đổi trong chính sách do các bộ, cơ quan Trung ương ban hành; và chỉ có khoảng 7% số DN tiên liệu được thay đổi trong chính sách do chính quyền địa phương ban hành.
Chính bởi vậy, vô hình trung chính sách lại trở thành một trong những tấm “barie” chắn kế hoạch, ý tưởng của DN trong chiến lược hoạt động kinh doanh của mình. Và khi đã tồn tại điểm nghẽn này, thì chắc chắn DN sẽ khó có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đó là một trong những lý do khiến cho DN nhỏ và vừa của Việt Nam cứ ngày càng thu hẹp quy mô, thu hẹp sản xuất.