DN dệt may nội 'nhường sân' cho nhà đầu tư ngoại

Hồ Luân 29/08/2015 09:15

Tỷ trọng xuất khẩu dệt may chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) nắm giữ. Các DN dệt may nội đang dần nhường những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam, và nguy cơ thua trên sân nhà đã thấy rõ.

Là ngành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên vài năm trở lại đây tỷ trọng của ngành dệt may sụt giảm. 6 tháng đầu năm dệt may duy trì tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 12 tỷ USD. Trong 12 tỷ thì giá trị do các DN dệt may nội địa thực hiện chỉ chiếm 27,5%. Như vậy, nhìn từ mục tiêu năm 2015 có thể thấy nguy cơ kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không đạt định mức 27 – 27,5 tỷ USD. Song đây vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Vấn đề mấu chốt đang tập trung ở tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) nắm giữ.

Năm 2015 được đánh giá là năm hội nhập khi hàng loạt hiệp định thương mại đã, đang đàm phán ký kết như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Á - Âu, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU…

Dự báo, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do trên nhưng liệu DN Việt Nam có thể nắm bắt được hay không lại là chuyện khác. Thực tế chứng minh rõ, DN dệt may Việt Nam đang “đủng đỉnh”. Đó cũng chính là lý do tại sao DN may nội địa đang teo tóp, còn DN FDI chuyên dệt may ngày càng phình to ra.

Trong khi đó nhiều DN FDI lên kế hoạch đổ vốn trực tiếp vào xây dựng nhà máy, thay vì ký hợp đồng gia công với các DN Việt Nam. Kết quả, nhiều DN nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc ồ ạt “nhảy” vào Việt Nam xây dựng nhà máy sợi, dệt, nhuộm…

Theo thống kê, đầu tư của khu vực FDI vào ngành dệt may Việt Nam đến nay lên đến con số 2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 vốn FDI đăng ký vào dệt may vượt 1 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, Việt Nam đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” hứa hẹn và tạo điều kiện cho các DN FDI thực hiện phương án canh tác.

Bằng chứng thể hiện rõ, tháng 5, UBND tỉnh Đồng Nai chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 660 triệu USD của Công ty Hyosung Đồng Nai tại KCN Nhơn Trạch, trong đó chủ yếu sản xuất các loại vải, sợi. Tương tự, tháng 6, UBND tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đầu tư vào dự án sản xuất hàng may mặc trị giá 274 triệu USD.

Trước đó, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên bốn nhà máy. Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp…

Rõ ràng, các DN dệt may nội đang dần nhường những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam, và nguy cơ thua trên sân nhà đã thấy rõ.

Hồ Luân