Thêm một tác phẩm về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hồ Phương Phúc (thực hiện) 29/08/2015 09:35

"Hình ảnh của vị Đại tướng dân tộc đã soi sáng niềm tin cho tôi viết…”, nhà văn Xuân Đức chia sẻ những cảm nhận sau khi nhận Giải A cho Kịch bản sân khấu “Nhiệm vụ hoàn thành” tại lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật về đề tài cách mạng và kháng chiến 1930 – 1975 nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Thêm một tác phẩm về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà văn Xuân Đức.

PV: Thưa ông, từ nguồn cảm hứng nào mà ông lại quyết định dựng lên một hình tượng sân khấu mà nguyên mẫu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Nhà văn Xuân Đức: Tôi trước hết là một người lính, người lính thuộc thế hệ chống Mỹ, may mắn hơn tôi còn là một nhà văn Quân đội. Đề tài về chiến tranh cách mạng là một trong những mảng đề tài rộng lớn nhất, sâu sắc nhất, tâm huyết nhất, day dứt nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Dĩ nhiên, với thế hệ chúng tôi, Đại tướng đã trở nên một điều gì đó quá xa xôi. Nhưng với người lính, bên cạnh Đảng, Bác Hồ, Đại tướng bao giờ cũng trở thành một hình ảnh gửi chọn sự trung thành và niềm tin tuyệt đối.

Niềm tin ấy cứ cháy âm ỉ trong tôi. Nó chỉ thực sự được bộc lộ khi Đại tướng không còn nữa. Lúc bấy giờ, thấy niềm tin của cả dân tộc dành cho Đại tướng quá lớn lao, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc mình sẽ viết một điều gì đó, có thể là một phần nào đấy về nhân vật lịch sử vĩ đại này, thì có lẽ, trong sự nghiệp sáng tác sẽ mãn nguyện lắm rồi! Và cơ hội đến gần hơn khi được Tổng cục Chính trị “đặt hàng”, rồi tham gia trong cuộc vận động của Bộ VHTT&DL về đề tài chiến tranh cách mạng.

Sở dĩ, tôi lấy tên vở kịch là “Nhiệm vụ hoàn thành” vì muốn nhắn nhủ rằng trong suốt cuộc đời hoạt động của Đại tướng không có một hoài bão nào lớn hơn là hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và Quốc dân đồng bào giao phó. Còn đối với tác giả viết xong vở kịch này là tôi cũng đã hoàn thành được một nhiệm vụ khó khăn nhất của người cầm bút. Có lúc cứ ngỡ là mình không với tới, nhưng rồi cuối cùng mình đã hoàn thành. Cho dù tác phẩm đó cũng chỉ đủ khắc họa một lát cắt nhỏ trong cuộc đời Đại tướng.

Khi xây dựng chân dung một vị tướng Tổng tư lệnh đã quá đỗi quen thuộc với lịch sử và dân tộc, ông thấy điều gì khó khăn trong quá trình sáng tác?

- Tất nhiên, ở đây cũng không thể gọi là một tác phẩm lớn, đầy đủ được, vì một tác phẩm nghệ thuật luôn có những giới hạn riêng của nó. Quan trọng là tôi đã chọn được đúng thời khắc quan trọng nhất - thời khắc tạo nên một con người có thể đi vào lịch sử dân tộc cũng như đi vào đời sống tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Rất may cho tôi, ở đây, yếu tố lịch sử lại không hề chi phối hay làm giảm đi tính hấp dẫn; trái lại, nó còn nổi bật nên tác phẩm một cách bất ngờ. Do đó, tác phẩm sau khi công diễn đã gây được sự xúc động lớn đối với công chúng. Tôi nghĩ, ở chừng mực nào đó, bản thân tôi cũng hết sức nỗ lực, tất nhiên bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan liên quan, trong đó đặc biệt là của gia đình Đại tướng. Tôi muốn nói thêm rằng, khi có được tư liệu trong tay thì tôi chỉ muốn reo lên.

Tôi tự nhủ rằng sẽ viết với tất cả nội lực trong mình, viết với tấm lòng thành kính, cả nỗi thổn thức, suy tư lắng đọng, cố gắng làm được điều gì đấy biểu hiện nhiều nhất sự tri ân đối với vị Đại tướng kính yêu của dân tộc. Đó cũng là tri ân đối với truyền thống hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh cách mạng mà Đảng, Quân đội ta đã đi qua trong những năm tháng khốc liệt nhất.

Đã có rất nhiều tác phẩm từng khác họa thành công hình ảnh Đại tướng. Còn với “Nhiệm vụ hoàn thành”, cách thể hiện có gì mới để làm nổi bật lên chân dung của nhân vật, thưa ông?

- Trong một tác phẩm sân khấu, một vở diễn thì dung lượng hoàn toàn không cho phép người diễn quá dài. Nó không phải là một phóng sự tài liệu mà cái gì cũng đưa lên đó được. Ở đây chúng tôi chỉ lựa chọn những lát cắt quan trọng nhất, mà những lát cắt đó chính là lịch sử đã chứng minh vai trò, vị trí quyết định của Đại tướng trong lịch sử.

Thậm chí có những lát cắt mà lịch sử cần phải làm rõ hơn. Như vai trò của Đại tướng đối với trận Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp thì điều đó đã lịch sử ghi rõ. Nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đối với Đường Hồ Chí Minh trên biển không phải ai cũng hiểu được rằng Đại tướng có vai trò quan trọng như thế nào.

Hay như Đại tướng trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975 cũng thế. Ở đấy, lịch sử cũng đã ghi nhận vai trò to lớn của quân đội ta nhưng dường như ở một chừng mực nào đó vẫn chưa nói hết được vai trò, vị trí của Đại tướng trong chiến thắng lớn nhất của thời đại đó.

Nói như thế để thấy được rằng, tầm vóc của Đại tướng là vô cùng to lớn. Chúng tôi đã cố gắng dựa vào những lát cắt như thế để thể hiện số phận một con người suốt cả một quá trình giải phóng dân tộc, mà thông qua số phận của Đại tướng ta thấy hiện lên số phận lịch sử của cả một dân tộc - bị thương, mất mát nhưng rất đỗi hào hùng, nghĩa hiệp. Khi được đưa lên sân khấu khán giả sẽ hiểu thêm về nhân vật vĩ đại này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Phương Phúc (thực hiện)