Hơn 18 nghìn phạm nhân được đặc xá
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho biết, năm nay là năm có số lượng phạm nhân được đặc xá lớn (18.539 phạm nhân), cao thứ hai sau năm 2009 (năm có 2 đợt đặc xá), với số phạm nhân được đặc xá là 20.599 người.
Nguồn: tuoitre.vn
Sáng 28/8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo, công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.
Theo đó, kể từ ngày 31/8/2015, sẽ có 18.539 phạm nhân được đặc xá, tha tù.
Theo Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn, trong những năm qua, xuất phát từ bản chất nhân đạo, Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đặc xá là chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và đã được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007, cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Đặc xá nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đối với những người đã phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Nêu rõ về quá trình xét đặc xá theo quy định, ông Giang Sơn nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam...Đặc xá không có sự phân biệt, đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được đặc xá”.
Trong số 18.539 phạm nhân được đặc xá, có 18.298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2015; 225 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 16 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá, tha tù.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, trong số những người được đặc xá, có 34 phạm nhân, mang 7 quốc tịch nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: Trong số các phạm nhân đặc xá, phạm nhân già nhất là Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1930) đã qua hơn 4 năm chấp hành án; trẻ nhất là Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 2000), đã chấp hành án 1 năm, 1 tháng, 9 ngày. Người thụ án lâu nhất là Đặng Ngọc Thu, chịu án tù chung thân, qua 3 lần giảm án, đã thụ án 18 năm, 2 tháng, 27 ngày...
Theo đúng quy định, và đủ điều kiện, phạm nhân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý (vụ án gây xôn xao dư luận mấy năm trước-PV) cũng được đặc xá lần này. V
ề thực hiện trách nhiệm dân sự, các phạm nhân đã khắc phục hậu quả, thu nộp từ năm 2014 đến nay là 256 tỷ đồng. Có phạm nhân nộp cao như phạm nhân Lê Thị Bích Hạnh đã nộp 17 tỷ 798 triệu 460 ngàn đồng. Hạnh đã chịu mức án 10 năm tù, đã qua giảm án, đã thụ án 6 năm, 3 tháng, 20 ngày....
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho biết, năm nay là năm có số lượng phạm nhân được đặc xá lớn, cao thứ hai sau năm 2009 (năm có 2 đợt đặc xá), với số phạm nhân được đặc xá là 20.599 người.
Cũng như các lần đặc xá trước, lần này quá trình xét, quyết định đặc xá được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ. Tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá. Các hình phạt bổ sung khác như: cấm đảm nhận chức vụ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế phạt tiền... những phạm nhân sau khi được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định.
Chính sách nhân đạo không chỉ dừng lại ở việc đặc xá, tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú sớm hòa nhập cộng đồng. Tại các trại giam đã tổ chức cho các phạm nhân được học nghề, học tập về kiến thức xã hội. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo...
Chính sách đã phát huy hiệu quả. Như Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: Khảo sát qua 10 năm (từ 2002- 2012) cho thấy 82,26% số người đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng có công ăn, việc làm, từ lao động giản đơn đến việc làm ổn định, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ tháng.
Việc tái phạm tội ít và ngày càng giảm. Khảo sát qua 1 năm cho thấy việc tái phạm chỉ có 3,02%, từ năm 2013 đến nay giảm theo chiều hướng dưới 1%. Năm 2013, có 15.523 phạm nhân được đặc xá, qua theo dõi 1 năm chỉ có 0,73% tái phạm.